Multimedia Đọc Báo in

Lắp đặt dải phân cách trên Quốc lộ 14: Một kiểu làm “ngẫu hứng”?

16:17, 05/08/2013

Trên Quốc lộ 14, đoạn từ khối 10, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) đến gần Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật (Km3, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), các cơ quan chức năng đã cho lắp dải phân cách bằng thép sáng ở một chiều đường nhằm mục đích phân làn giữa xe cơ giới và xe thô sơ.

Theo lý thuyết, dải phân cách đó phải là một dải liền liên tục, chỉ chừa những khoảng cách gián đoạn ở các ngã ba, ngã tư quan trọng, hay trước những cơ quan nhà nước được sự cho phép của UBND tỉnh và được nghiên cứu kỹ lưỡng, thể hiện trên bản vẽ kỹ thuật, các đơn vị thi công, giám sát cứ theo đó mà lắp ráp. Khi công việc chưa hoàn tất, đơn vị thi công phải lắp các biển báo công trường đang thi công và tại các giao cắt này phải có cắm biển báo hiệu nguy hiểm để người tham gia giao thông thấy, biết và tránh những cọc sắt ấy. Nhưng thực tế, việc lắp đặt dải phân cách trên đoạn đường này đang bộc lộ rất nhiều bất cập. Nhiều khoảng trống  tạo ra vô lý và đáng quan ngại nhất là việc dải phân cách bất ngờ xuất hiện khiến phần đường xe cơ giới và xe thô sơ bị thu hẹp gây cản trở giao thông.

Dải phân cách ngắt quãng liên tục đoạn gần ngã ba đường Phạm hùng đến Bệnh viện Thiện Hạnh.
Dải phân cách ngắt quãng liên tục đoạn gần ngã ba đường Phạm Hùng đến Bệnh viện Thiện Hạnh.

Bên cạnh đó đơn vị thi công cũng rất chủ quan khi không đặt các biển báo hiệu nguy hiểm trên các đoạn mới lắp này, nên chỉ trong một thời gian ngắn dải phân cách đã trở thành cái “bẫy” đối với người và các phương tiện tham gia giao thông. Bằng chứng là có nhiều dấu vết va chạm vẫn còn lưu lại khiến thân trụ, đầu trụ và các ống thép bị móp méo, cong vênh biến dạng.

dai phân cách trước công viên nước tiếp tục bị va chạm cong vênh biến dạng
Dải phân cách trước Công viên nước sau những cú va chạm đã bị cong vênh, biến dạng.

Đơn cử như đoạn trước cổng đơn vị Cảnh sát cơ động và đoạn trước cổng Bệnh viện Thiện Hạnh (km4, phường Tân An) xảy ra tai nạn giao thông liên tục. Mặc dù người dân đã dùng băng keo màu đỏ quấn lại, hoặc dùng bao tải, bao ni lông cắm trên đầu trụ để cảnh báo nhưng vẫn chưa hạn chế được tai nạn xảy ra.

Dải phân cách trước cổng Bệnh viện Thiện Hạnh được người dân tự chế
Dải phân cách trước cổng Bệnh viện Thiện Hạnh được người dân tự chế "biển báo hiệu" bằng bao tải.

Ông Phan Thanh Trắc (64 tuổi, bán quán cơm tại số 17/3 đường Võ Thị Sáu, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) – nạn nhân trong một vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra trên đoạn đường này kể lại: Vào lúc 20 giờ ngày 28-7, ông chạy xe máy đến đoạn trước cổng Công viên nước thì bất ngờ thấy một thanh niên chạy mô tô đi ngược chiều, chiếu đèn pha sáng lóa mắt lao thẳng về phía ông. Ông Trắc chỉ kịp né sang phía bên trái thì đụng ngay mấy trụ sắt của giải phân cách trên đường, sau đó thì bất tỉnh. Người thanh niên đi ngược chiều phóng xe chạy mất, rất may người đi đường kịp thời đưa ông đến bệnh viện cấp cứu và gọi điện thoại thông báo cho gia đình ông.

Ông Phan Thanh Trắc tại phòng Cấp cứu ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ông Phan Thanh Trắc tại phòng Cấp cứu ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

“Tôi bị dập phổi trái, gãy 3 xương sườn trái; chiếc xe máy cũng bị gãy nát. Ngày nào tôi cũng đi về trên đoạn đường này, đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn do dải phân cách gây ra, vậy mà mình vẫn “dính”. Dải phân cách chừa những khoảng trống “chết người”, không đều nhau và chừa khoảng trống liên tục không theo một quy luật nào nên nhiều người vô ý thức thích thì đi ra, thích thì đi vào và đi ngược chiều… nên dễ gây ra tai nạn”, ông Trắc than thở.

Vừa qua, đơn vị thi công đã có cách xử lý đối với cái dải phân cách này rất lạ! Ngoài vài đoạn trước cổng Bệnh viện Thiện Hạnh do tai nạn cong vênh, gãy rời được tháo bỏ ba lần, mỗi lần một đoạn thì đã có một vài cung đoạn được tháo bỏ hết mà không rõ lý do như đoạn trước cổng Tiểu đoàn Cơ động, đoạn dưới ngã ba Phạm Hùng và Nguyễn Chí Thanh… vẫn còn nguyên dấu lỗ bắt bulon dưới đường.

Dải phân cách trước Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Cơ động Tây Nguyên đã bị tháo bỏ.
Dải phân cách trước Tiểu đoàn Cơ động đã bị tháo bỏ.

Việc thích thì lắp và thích thì tháo là một điều khác thường đối với một dự án lớn như vậy. Điều này không tránh khỏi có nhiều ý kiến thắc mắc: “Không hiểu dự án này ai khảo sát? ai lên kế hoạch?”, “Thiết kế, bản vẽ chi tiết ban đầu thế nào? Tại sao lại có kiểu làm ăn “ngẫu hứng” như vậy? Đã hai ba tháng nay không thấy lắp tiếp, vậy dự án có tiếp tục triển khai?”. v.v…

Thiết nghĩ các cơ quan liên quan cần xem xét tính khả thi của dự án trước khi nó được tiếp tục, hoặc nếu cần thiết phải tháo bỏ hoàn toàn trả lại sự thông thoáng cho con đường và cũng phải có cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh cách làm kiểu “ngẫu hứng” để lại những hậu họa khôn lường như đã phản ánh ở trên.

Một số hình ảnh dấu vết tai nạn của đoạn dải phân cách :

IMG_5295.jpg
 

 

gffgf
 

 

gfsfgsg
 

 

fgsg
 

 

gsgf
 

Trương Nhất Vương

 


Ý kiến bạn đọc