Multimedia Đọc Báo in

Một cách “đuổi” bệnh nhân BHYT!

08:54, 11/09/2013

Chuyện bị từ chối khám chữa bệnh theo diện BHYT ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho đến bây giờ tôi vẫn băn khoăn mãi, chưa biết hỏi ai???

Do dưới lòng bàn chân tự nhiên mọc lên một cục u, đi lại rất đau nên tôi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo thẻ Bảo hiểm y tế). Tại bộ phận đăng ký, sau khi tôi mô tả triệu chứng bệnh, cô nhân viên liền cấp phiếu và hướng dẫn tôi vào phòng khám Chấn thương chỉnh hình ở tầng trệt. Nghe tôi kể bệnh, bác sĩ (BS) trực phòng khám bảo: “không té ngã va đập mà tự nhiên đau thì sao lại vô đây”, tôi phải trình bày là bộ phận đăng ký giới thiệu vào, BS lắc đầu và viết bổ sung vào phiếu “chuyển sang phòng khám da liễu xem bệnh”. Tôi cầm phiếu lên phòng khám Da liễu, nghe tôi kể bệnh, BS trực ở đây cũng bảo: “bệnh này sao lại vô đây!”. Mặc dù có ý kiến chuyển bệnh trên phiếu, tôi vẫn phải trình bày lại lý do phòng khám Chấn thương chỉnh hình chuyển sang. BS tỏ ra rất bực  bội: “cái này phải mổ sao lại chuyển Da liễu, Da liễu lấy tay mà nặn ra à, trả bệnh nhân lại bảo hiểm y tế (BHYT) đi!”. Nghe tôi năn nỉ là mình rất đau, mong được khám và điều trị, BS bảo người cùng trực: “thôi, viết phiếu cấp thuốc bổ cho bệnh nhân”. Tôi vẫn tha thiết bày tỏ mong muốn được khám bệnh, BS cáu kỉnh từ chối thẳng thừng và viết bổ sung tiếp vào phiếu khám “chai chân phòng khám Da liễu không xử lý được, trả BHYT” rồi ký tên, đóng dấu. Tôi cố gặng hỏi: “Em đau bệnh mới phải đi khám, nếu ở đây không khám được thì BS chỉ giùm cho em rõ là phải khám ở đâu, chứ trả lại BHYT là sao?”. BS càng cáu: “trả là trả chứ sao, đã bảo ở đây không khám mà còn hỏi mãi!”. Tôi đành cầm giấy xuống lại nơi tiếp đón ban đầu để xin lấy lại thẻ BHYT mà không khỏi hoang mang: mình đến đăng ký khám bệnh theo đúng quy trình, vậy mà cả 2 phòng khám chưa bác sĩ nào liếc mắt xem thử vết đau ra sao, lại còn bị mắng mỏ và đuổi trả một cách hết sức vô lý. Thì cứ cho là bác sĩ giỏi đến mức chỉ cần nghe qua đã biết bệnh, thì chí ít cũng phải chỉ cho bệnh nhân biết là phải khám ở đâu chứ (?). Sau đó có người quen hướng dẫn lên gặp lãnh đạo Khoa Khám bệnh, tôi lại trở ngược lại tầng 2, kiên nhẫn chờ BS Phó khoa làm việc xong rồi mới vào trình bày sự việc với hy vọng được giải quyết thấu đáo, nhưng BS này cũng tỏ vẻ rất khó chịu, vì “BS khám đã phê trả BHYT thì cứ tìm thường trực BHYT mà hỏi, lãnh đạo khoa không có trách nhiệm giải quyết!”…

Chuyện dù chân đang rất đau vẫn phải chạy xuôi chạy ngược đi tìm cho được thường trực BHYT, rồi cùng vị thường trực này đi tìm BS đòi quyền lợi chính đáng cho bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT còn dài, ở đây tôi chỉ đề cập đến thái độ, trách nhiệm làm việc kiểu “đuổi bệnh nhân” của những BS nói trên. Bệnh nhân sau đó tất nhiên phải tìm đến bệnh viện tư nhân, dù cũng đăng ký khám BHYT (đóng phí cao hơn vì trái tuyến) nhưng được BS tiến hành thăm khám vết đau cẩn thận, rồi thông báo cụ thể về tình trạng bệnh tật, nguyên nhân và cách chữa trị. Trong suốt quá trình chữa trị có băn khoăn, thắc mắc gì liên quan đến sức khỏe đều được BS giải đáp chu đáo, ân cần. Còn chuyện bị từ chối khám chữa bệnh theo diện BHYT ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi vẫn băn khoăn mãi, chưa biết hỏi ai?

Lê Trung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.