Những con đường "hành dân"
Những năm qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng đầu tư xây dựng ngày một hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tuyến đường từ nông thôn đến khu vực trung tâm bị xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Tuyến đường liên xã Ea Kly – Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) dài 28 km được xây dựng từ Chương trình 135 của Chính phủ. Qua nhiều năm sử dụng, lại thêm tình trạng xe quá tải chở vật liệu xây dựng lưu thông qua lại thường xuyên, mặt đường xuất hiện chi chít ổ gà, ổ voi, kết cấu đường bị phá vỡ, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Những ngày trời nắng, bụi bay mù mịt, nhất là khi có ôtô tải chạy qua, còn trời mưa thì đường lênh láng nước, nhiều đoạn lòng đường xuất hiện nhiều vũng nước lớn như miệng ao, là mối nguy hiểm thường trực cho người dân địa phương. Được biết, đây là tuyến đường chính nối Vụ Bổn với trung tâm huyện và các địa bàn lân cận, trong khi địa phương lại có nhiều điểm khai thác cát nên lưu lượng xe chở vật liệu xây dựng lưu thông trên đường cả ngày lẫn đêm khá cao… Tương tự, tỉnh lộ 9 dài 27 km, là tuyến đường huyết mạch nối liền hai huyện Krông Pắc và Krông Bông được đầu tư xây dựng vào năm 2003. Trong những năm qua, do thiếu kinh phí tu bổ, nâng cấp nên đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt đoạn qua xã Dang Kang. Được biết, người dân địa phương nhiều lần kiến nghị với cấp trên, đặc biệt là tại các kỳ họp HĐND các cấp cần quan tâm, sớm cho duy tu, sửa chữa lại con đường, nhưng đến nay mọi việc vẫn chìm trong yên lặng!
Nước choán hết mặt đường Tùng Lâm (phường Khánh Xuân). |
Không chỉ các tuyến đường nông thôn, ngay tại khu vực trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, một số đoạn đường ngắn cũng bị xuống cấp nghiêm trọng. Đường Tùng Lâm (cách gọi của người dân phường Khánh Xuân) nối Quốc lộ 14 với trung tâm phường và các trường học trên địa bàn, một số đoạn biến thành hố sâu, khi mưa xuống nước ngập hết mặt đường. Em Phạm Thanh Hùng, học sinh lớp 9C, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng phàn nàn, mỗi lần có mưa là mặt đường toàn nước, phải xắn quần qua đầu gối, lội bì bõm, gặp lúc xe tải chạy qua, nước bắn hết lên người, lấm lem bùn đất, phải về thay quần áo, cặp sách nên đến trường thường bị trễ học. Còn chị Thi (một người dân tổ dân phố 8) cũng tỏ ra bức xúc, những hôm trời mưa to, khoảng 200 mét tính từ điểm giao nhau với Quốc lộ 14, mặt đường bị ngập nước hoàn toàn, nhiều người đi xe ngang qua bị chết máy, phải dắt bộ. Nếu mưa kéo dài nhiều ngày, tại các hố sâu nước đọng lại cả tuần không rút, bốc mùi hôi thối. Đã thế, mỗi ngày có đến hàng chục lượt xe tải nặng đi qua, bắn tung tóe nước bẩn vào nhà, buộc những hộ ở sát 2 bên đường phải đóng cửa cả ngày. Trong khi đó, mặt đường Mai Xuân Thưởng ở một số vị trí đã bong tróc hoàn toàn, lởm chởm đá dăm và đá 4x6, trở thành cái bẫy cho người đi đường trong nhiều năm qua. Anh Võ Sinh (tổ dân phố 8, phường Tân Tiến) than thở, từ khi vợ chồng anh chuyển nhà về tuyến đường này đến giờ đã hơn 5 năm, chứng kiến rất nhiều trường hợp ngã xe khi lưu thông trên đường, người bị nhẹ thì xây xước mặt mày, còn nặng hơn đã có trường hợp té xe đập mặt xuống đường, tử vong, khổ nhất là chị em phụ nữ chở con đi học, bị té xe thường xuyên. Tình trạng này, người dân đã nhiều lần phản ánh lên UBND TP. Buôn Ma Thuột, nhưng đến nay vẫn chưa thấy thành phố có động thái gì! Được biết, từ năm 2008, UBND tỉnh đã có chủ trương đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường Mai Xuân Thưởng với tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng, giao Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và môi trường Đắk Lắk làm chủ đầu tư, do Công ty TNHH xây dựng cầu đường Hoàng Nam thi công. Một số hạng mục công trình đã hoàn thành gồm: hệ thống thoát nước, móng cấp phối đá dăm, thảm bê tông nhựa. Tuy nhiên, đến năm 2012, UBND tỉnh có Công văn số 1615/UBND-CN cho tạm ngừng thi công do khó khăn về nguồn vốn, công trình bị bỏ dở đến nay. Ông Lê Quang Hưng, Trưởng Ban quản lý dự án (Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và môi trường Đắk Lắk) cho biết, để tiếp tục thực hiện Công văn số 8808/UBND-TH, ngày 28-11-2014 của UBND tỉnh về việc đầu tư các công trình trên địa bàn thành phố, Công ty đang đề nghị tỉnh cho phép điều chỉnh đơn giá hợp đồng để có cơ sở trình thẩm định và triển khai thi công tiếp đoạn đường nói trên trong năm nay.
Thiết nghĩ, cùng với giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư nâng cấp, duy tu bảo dưỡng các tuyến đường hư hỏng, cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp mạnh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm chở hàng hóa quá tải trọng nhằm nâng cao tuổi thọ cho các con đường
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc