11:35, 25/10/2015
Tuyến đường nối liền xã Cư Ni với trung tâm huyện Ea Kar hiện đang xuống cấp trầm trọng khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.
Với chiều dài 5 km, tiếp giáp với nhiều xã trên địa bàn huyện Ea Kar, tuyến đường này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu lưu thông của người dân một số xã lân cận. Tuy nhiên, từ hai năm nay, mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng với “địa hình” lồi lõm, lởm chởm đất đá, “ổ gà” xuất hiện với mật độ dày chi chít; nhiều đoạn bị sụt lún nối tiếp nhau tạo thành đường rãnh sâu hoắm kéo dài hàng chục mét vào mùa khô và biến thành những “kênh chứa nước” vào mùa mưa. Thời gian gần đây, đặc biệt là từ đầu mùa mưa đến nay, con đường này xuất hiện hàng loạt “ổ trâu”, “ổ voi” trải dài, ứ đọng nước lênh láng, thậm chí có chỗ sâu gần cả mét nước tạo thành “cái bẫy ngầm” cho người đi đường. Đáng báo động là sau mỗi trận mưa, các em nhỏ thường ra những vũng nước sâu như “ao” trên mặt đường để đùa nghịch như ở chốn không người, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao. Tại dải phân cách của con đường này, cỏ và cây dại mọc um tùm; người dân còn tận dụng phần đất màu mỡ trên đó để trồng ngô, sắn hoặc rau cải xanh… Một điều đáng nói nữa là, mặc dù con đường này đã được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng nhưng ban đêm lại không hoạt động khiến nguy cơ tai nạn giao thông càng cao. Chị Phan Thị Ngân, một người dân sinh sống ven tuyến đường này cho biết: “Tuy con đường được phân thành hai chiều nhưng người điều khiển phương tiện lưu thông chỉ cốt làm sao để “né” được ổ voi, ổ gà phía trước. Người ở địa phương khác khi đi qua con đường này thường xuyên phải quay đầu xe ngược lại lưu thông ở phần đường bên kia để được an toàn. Việc đi học của học sinh còn vất vả hơn, có hôm con gái lớn của tôi đi học được nửa đường phải quay về nhà thay quần áo khác vì không tránh kịp bùn đất văng tung tóe khi ôtô “băng” qua vũng lầy”.
|
Những "ao nước" mênh mông trên tuyến đường liên xã Cư Ni - trung tâm huyện Ea Kar. |
Thực tế cho thấy, con đường này xuống cấp trầm trọng do nhiều nguyên nhân: Với ưu thế giao nhau với Quốc lộ 26 nên ngay từ khi mới đi vào sử dụng cách đây vài năm, con đường này đã phải chịu số lượng lớn xe quá tải chở mía, sắn tươi hoặc cát… từ hướng các nông trường về phía Nhà máy Mía đường 333, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Ea Kar và một số địa điểm khác dọc theo Quốc lộ. Nguyên nhân quan trọng nữa là các đơn vị thi công không bảo đảm chất lượng theo đúng thiết kế công trình, làm tuyến đường bị hư hỏng nhanh chóng trong khi việc duy tu, bảo dưỡng lại không được tiến hành thường xuyên do thiếu nguồn vốn đầu tư.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm có kế hoạch phân bổ nguồn vốn hợp lý để kịp thời bảo dưỡng, sửa chữa tuyến đường này, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm thiểu được nguy cơ tai nạn giao thông, đặc biệt là trong mùa mưa. Bên cạnh đó, cần có biện pháp quản lý, giám sát, nghiêm cấm xe quá tải lưu thông nhằm bảo vệ, gìn giữ con đường.
Thanh Thúy
Ý kiến bạn đọc