Multimedia Đọc Báo in

Đoạn trường... máy đùn gạch có gắn trục cào!?

09:27, 02/11/2015
Trước đây, những máy đùn gạch kiểu cũ yêu cầu người lao động phải liên tục dùng tay hoặc chân ép nguyên liệu vào lô nghiền nhào. Điều này dễ dẫn đến tai nạn do mệt mỏi, thiếu tập trung.
 
Đồng thời, máy hoạt động cho năng suất không cao, chất lượng gạch không đồng đều, do thường xuyên phải ngừng chạy để xử lý tình trạng tắc nghẽn ở khuôn tạo hình khi nguyên liệu có lẫn sỏi sạn. Sau gần 10 năm nghiên cứu, năm 2000, sản phẩm cải tiến của kỹ sư Hoàng Thịnh: máy đùn gạch có gắn trục cào ra đời, đã khắc phục được những nhược điểm đó. Ông Thịnh cho biết: trên trục cào có các dãy răng bố trí quanh trục với kích thước, hình dáng, khoảng cách, góc nghiêng, số lượng... tùy theo yêu cầu kỹ thuật của từng loại máy. Trục cào được đặt bên trong phễu chứa nguyên liệu, ở vị trí thích hợp để cào, cuốn ép nguyên liệu đã phối trộn (đất sét + nước + than đá) xuống các lô nghiền nhào. Dao cán được đặt song song và nằm giữa hai lô nghiền nhào, đủ để khi nghiền nát các vật cứng như sỏi sạn không bị uốn cong, biến dạng; đồng thời, khắc phục được tình trạng tắc nghẽn ở khuôn tạo hình do vướng sỏi, bảo đảm sản xuất được liên tục và ổn định, theo đó chất lượng sản phẩm được nâng cao. Nhờ những bộ phận cải tiến này mà máy đã giảm ít nhất 1 công lao động cho việc nhào trộn đất trước khi vào máy và 1 công lao động tiếp nguyên liệu vào máy. Nếu máy cũ cần 7 người lao động thì giờ chỉ còn 5. Hiệu suất làm việc của máy cũng tăng lên 25%, tiết kiệm nhiên liệu 10-12 triệu đồng mỗi năm. Sản phẩm đã đoạt giải Khuyến khích Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2005.

Năm 2002 máy đùn gạch có gắn trục cào của kỹ sư Hoàng Thịnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền. Đầu năm 2003 sản phẩm được đưa ra thị trường, nhưng chỉ 2 ngày sau đó đã bị “đánh cắp”. Bản thân chủ sở hữu, chính quyền địa phương, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ đã nhiều lần có văn bản cảnh báo yêu cầu chấm dứt tình trạng vi phạm cũng như khẳng định quyền sở hữu đối với sản phẩm này của ông Thịnh nhưng tình trạng vi phạm vẫn tái diễn ở các cơ sở cơ khí trong tỉnh và một số tỉnh khác như: Bình Dương, Bình Thuận, Bình Định, Đồng Nai. Ngày 24-6-2008, kỹ sư Hoàng Thịnh đã làm đơn khởi kiện cơ sở gạch Việt Mỹ và cơ khí Đình Mỹ (huyện Krông Ana). Với thời gian hơn 2 năm và trên 60 lần tòa triệu tập đến làm việc, ngày 17 và 18-6-2010, qua xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk buộc ông Nguyễn Đình Mỹ (chủ cơ sở gạch Việt Mỹ) bồi thường cho ông Thịnh 412 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Mỹ đã kháng cáo lên Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng và được đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk; qua đó bản án sơ thẩm được hủy và đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử lại với lý do việc chứng minh thu thập chứng cứ chưa đủ. Ngày 19-7-2011 thẩm phán thụ lý vụ án cho là thời hiệu khởi kiện đã hết nên trả hồ sơ lại. Ngày 29-11-2011 ông Thịnh làm đơn khiếu nại gửi Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và sau đó đã có văn bản quyết định giao cho Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử lại. Ngày 24-6-2015, nhận được giấy thông báo thụ lý, ông Thịnh đã đến làm việc tại Tòa nhưng ông Nguyễn Đình Mỹ không đến. Ngày 30-7-2015 Tòa đi xác minh và được chính quyền địa phương xác nhận là ông Nguyễn Đình Mỹ không có tại địa phương.

Đây được coi là một trong những vụ kiện sở hữu trí tuệ đầu tiên ở Việt Nam. Vụ kiện kéo dài đã 7 năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, trong khi đó đến ngày 20-8-2011 bằng độc quyền giải pháp hết hiệu lực. Vụ việc kéo dài quá lâu, với chủ sở hữu của sản phẩm này nói riêng và các nhà khoa học nói chung, cái mất lớn nhất không chỉ là tiền bạc, công sức mà còn là thời gian, cơ hội, cảm hứng và niềm đam mê để nghiên cứu các công trình tiếp theo.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc