Ô nhiễm môi trường vì nuôi bò không làm chuồng
Trong thời gian qua, nhiều hộ dân ở các buôn xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản và không ít hộ có thu nhập khá từ nghề này. Tuy nhiên, có rất nhiều hộ nuôi bò mà không làm chuồng gây nên tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường cho cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Tận dụng những bãi cỏ ven suối, đồi hoang và công lao động nhàn rỗi trong gia đình, từ năm 1994 đến nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số các buôn Treng, Săm A, Săm B, buôn Dang (xã Ea H’leo) tập trung chăn nuôi bò thương phẩm, bò sinh sản. Trong đó, hộ nuôi nhiều nhất lên đến 40 con, hộ ít cũng từ 3 con trở lên. Nhờ nuôi bò, nhiều hộ có thu nhập khá, xây được nhà ở khang trang như hộ ông Ama Văn (buôn Treng), Ksơr Noai (buôn Dang)… Tuy nhiên, do bà con vẫn duy trì tập quán chăn nuôi gia súc thả rông tự nhiên nên phần lớn hộ nuôi bò đều không làm chuồng; một số ít hộ có làm chuồng song rất sơ sài, chỉ đóng vài cây cọc xung quanh hoặc giăng lưới B40 mà không lợp mái che cẩn thận ở phía trên. Tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông ở đây đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; với những hộ làm chuồng không lợp mái, mỗi khi mưa xuống, chuồng bò lênh láng nước, phân bò tràn ra cả đường buôn, ngõ xóm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Lượng phân bò chảy tràn ra vườn hộ nuôi, đường làng lâu ngày dễ thẩm thấu xuống giếng nước sinh hoạt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân.
Đề nghị chính quyền, đoàn thể xã Ea H’leo tích cực tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi bò đầu tư xây dựng chuồng trại; kịp thời thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi hợp lý, bảo đảm vệ sinh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường. Nếu không chú trọng giải quyết tốt vấn đề này, xã Ea H’leo rất khó đạt chuẩn tiêu chí số 17 về bảo đảm vệ sinh môi trường trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Ngọc Tài
Ý kiến bạn đọc