Multimedia Đọc Báo in

Đồng chí Trường Chinh - một cây bút lớn của báo chí cách mạng Việt Nam

10:49, 18/07/2010
Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra báo chí cách mạng Việt Nam, phải kể đến đồng chí Trường Chinh, một lãnh tụ của Đảng, một nhà báo sắc sảo nhưng rất khiêm tốn và giản dị. Các nhà báo như Hồng Chương, Hoàng Tùng, Thép Mới, Hữu Thọ, Phan Quang… đều coi đồng chí Trường Chinh là người anh cả của giới báo chí.
 
Đồng chí Trường Chinh sinh ngày 9-2-1907 ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, nay là xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Đồng chí từng giữ cương vị cao nhất của Đảng, Nhà nước như Tổng bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Với báo chí, đồng chí từng là Tổng biên tập tờ Cờ Giải Phóng, xuất bản năm 1943, tiền thân của báo Nhân Dân ngày nay; viết nhiều bài xã luận, chính luận nổi tiếng. Ở thời kỳ này, mỗi bài báo của đồng chí Trường Chinh như lời hiệu triệu kêu gọi nhân dân kháng Nhật, khởi nghĩa với những bình luận, định hướng chặt chẽ, bày rõ quan điểm của Đảng ta. Đồng chí Trường Chinh còn là một nhà thơ với bút danh Sóng Hồng.
Đồng chí Trường Chinh (Ảnh: T.L)
Đồng chí Trường Chinh (Ảnh: T.L)
 
Ngay từ khi vào Đảng, đồng chí Trường Chinh đã lấy bí danh là Kỳ, sau đó lại có thêm bí danh là Quyết, Toàn, Duyệt rồi Nhận. Trong tác phẩm “Vấn đề dân cày” viết chung với đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Trường Chinh đã lấy bút danh là Qua Ninh. Trên số đầu tiên của tờ Cờ Giải Phóng (Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương) ra ngày 10-10-1942 bắt đầu xuất hiện bút danh Trường Chinh. Đồng chí Trường Chinh lúc đó là Tổng Bí thư của Đảng, là linh hồn của tờ báo, đồng thời là người lãnh đạo và tổ chức tờ báo có định hướng và tiêu chí phục vụ chính trị rõ ràng. Những bài báo ký tên Trường Chinh hay Tân Trào trên tờ Cờ Giải Phóng ý sắc bén, văn phong đanh thép, bố cục khúc chiết, chữ dùng rất chuẩn xác, rất chắc và khỏe. Bạn đọc hướng về cách mạng, nhờ đọc Cờ Giải Phóng thấy rõ sức mạnh của phong trào, càng tin tưởng hơn ở Đảng ta.
 
Khi tiếp xúc với các nhà báo, đồng chí Trường Chinh luôn luôn nhắc nhở phương châm của Bác “Viết cho ai? Viết để làm gì?”.
 
Ở cương vị cao, nhưng đồng chí Trường Chinh rất khiêm tốn ngay cả với cấp dưới. Vấn đề này thể hiện rất rõ qua lời kể của nhà báo Ngô Tất Hữu, người đã có nhiều năm công tác ở cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, và cũng là người được đồng chí Trường Chinh trực tiếp trao đổi về nghiệp vụ báo chí. Năm 1978, đồng chí Trường Chinh vào thăm TP. Hồ Chí Minh. Nhà báo Ngô Tất Hữu được cơ quan biệt phái đi theo viết một bài tường thuật chuyến đi của đồng chí Trường Chinh trong một tuần lễ. Viết xong, ông đưa đồng chí Trường Chinh đọc. Sau khi đọc, đồng chí Trường Chinh tỏ vẻ không vui nói:
-Đồng chí có biết cái khó của người cầm bút là gì không?
Nhà báo Ngô Tất Hữu lúng túng chưa kịp trả lời thì đồng chí Trường Chinh giải thích:
-Cái khó nhất của bài viết là xác định chủ đề của bài viết: Viết cho ai đọc, viết để làm gì? Người viết phải tuyệt đối không được tùy tiện theo cảm tính hời hợt. Nay đồng chí viết xong rồi, như cây tre đã mọc cao, uốn sao được. Thôi đồng chí cất bài đi, tôi với đồng chí cùng bàn lại, xác định lại chủ đề rồi mới viết.
 
Khi phải viết lại bài báo trên, tác giả xin dành một ngày, đồng chí Trường Chinh đã cho hẳn 3 ngày để nhà báo Ngô Tất Hữu viết lại, để chất lượng bài viết sâu hơn, đạt chủ đề hơn.
 
Ở một bài báo khác nhưng cũng viết về chuyến đi ấy, khi đồng chí Trường Chinh đến thăm 18 thôn Vườn Trầu, nhà báo Ngô Tất Hữu viết: “Bà con Bà Điểm, Hóc Môn, mặc quần áo đẹp từ sáng sớm rủ nhau ra tận đầu làng đón đồng chí Trường Chinh, người anh bao nhiêu năm mong đợi, nay mới gặp mặt. Chị Hai Mập, người cán bộ đã từng phục vụ các đồng chí lãnh đạo cách mạng như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, ôm chầm lấy đồng chí Trường Chinh, nước mắt lưng tròng như đón người anh Cả đi xa trở về…”. (Thời kỳ ấy, đồng chí Trường Chinh có biệt hiệu là anh Cả). Trong bài còn nhiều từ anh Cả nữa, tất cả đều được đồng chí Trường Chinh xóa hết, và nói với tác giả: “Đồng chí (chỉ nhà báo Ngô Tất Hữu) dùng chữ “Bao nhiêu năm mong đợi, nay mới gặp” là không chính xác. Tôi không được như thế. Câu đó, đồng bào Miền Nam chỉ dành cho Bác Hồ mà thôi”.
 
Nhà báo Ngô Tất Hữu cũng cho biết, phong cách của đồng chí Trường Chinh rất khiêm tốn, cẩn thận. Những nhà báo, nhà nghiên cứu viết bài về cá nhân đồng chí Trường Chinh và các vấn đề liên quan tới đồng chí phụ trách, thì hầu như đồng chí gặp trực tiếp để trao đổi, không phải thông qua thư ký.
 
Chính vì vậy, hai lần viết về đồng chí Trường Chinh là hai lần nhà báo Ngô Tất Hữu đều được đồng chí Trường Chinh chỉ bảo về nghiệp vụ. Lần hai, ngoài góp ý về từ ngữ văn phạm, đồng chí Trường Chinh xem bản thảo đánh máy có nhiều chữ mờ, thiếu nét do máy cũ, người đánh không chuyên nghiệp không trình bày được, lại không biết chỗ nào cần xuống dòng, cách quãng, đánh dấu… Thấy bản đánh máy không đạt yêu cầu, song vì thời gian gấp, nhà báo Ngô Tất Hữu vẫn chuyển bài lên văn phòng đồng chí Trường Chinh, nhưng ngay chiều tối hôm đó, văn phòng đã mời Ngô Tất Hữu lên. Linh tính như báo trước, Ngô Tất Hữu rất lo lắng. Khi gặp, đồng chí Trường Chinh mời Ngô Tất Hữu ngồi và trả lại bài viết. Bài viết hơn 10 trang đánh máy, chi chít những dấu chấm, phẩy, sắc, huyền bằng bút đỏ do chính tay đồng chí Trường Chinh sửa, và còn trao thêm bản đánh máy lại của văn phòng để Ngô Tất Hữu sửa và so sánh. Đồng chí Trường Chinh ôn tồn nhưng rất nghiêm khắc:
 
“Tôi không thể chấp nhận được ở một cơ quan thông tin báo chí lại đánh máy cẩu thả đến như thế này. Đồng chí về báo cáo với thủ trưởng cơ quan ý kiến tôi, phải chấn chỉnh ngay khâu đánh máy. Phải mua sắm máy chữ tốt, bài vở phải được đánh máy trên giấy trắng, lề rộng, đánh rõ ràng từng dấu chấm, phẩy, trình bày sáng sủa. Đảng, Nhà nước, nhân dân còn nghèo, song với các cơ quan báo chí, Đảng, Nhà nước sẽ không tiết kiệm ở chỗ này, bởi vì sản phẩm của các đồng chí là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, nó có tác động rất rộng lớn không gì thay được, nó còn là tài liệu lưu trữ lâu dài, cho nên những người có tính hời hợt đại khái, thiếu trách nhiệm thì không nên để làm việc trong các cơ quan báo chí”.
 
Không chỉ là một nhà lãnh đạo chính trị, tư tưởng, đồng chí Trường Chinh còn là một nhà báo lớn, nhà thơ, nhà văn hóa xuất sắc. Nhân cách, tác phong làm việc, đức tính khiêm tốn và giản dị của đồng chí Trường Chinh là một tấm gương để các thế hệ những người cầm bút noi theo.
Lê Hồng Thiện

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.