Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2010)

TÂM ĐỊA THỰC DÂN - Bài báo cách mạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc

10:47, 18/07/2010
Mùa hè năm Tân Hợi (6-1911) Nguyễn Tất Thành, dưới cái tên Văn Ba xuất dương hướng về phương Tây để tìm hiểu sự thật ẩn giấu đằng sau những từ “Tự do – Bình đẳng - Bác ái” mà Người đã từng nghe 8 năm trước đó khi còn ở quê hương xứ Nghệ, để tìm ra được con đường cách mạng phù hợp cứu nước cứu dân.
 
Từng đến lao động mưu sinh ở nhiều nước các châu Âu, Phi, Mỹ, cuối tháng 7-1917 Người có mặt ở Paris, thủ đô nước Pháp trước khi Cách mạng tháng 10 Nga bùng nổ (11-1917).
 
Trả lời phóng viên báo Mỹ và Triều Tiên về mục đích sang Pháp (1917), Nguyễn Ái Quốc đã nói: “Đến Pháp để đòi những quyền tự do mà người An Nam phải được hưởng, muốn thế phải luôn luôn tiến lên phía trước tùy theo sức của chúng tôi”.
- Những hoạt động từ khi ông đến đây?
- Ngoài việc vận động các nghị viên, tôi đã tìm cách nhen nhóm thiện cảm mỗi nơi một chút, trong đó Đảng xã hội đã tỏ ra ít thỏa mãn các biện pháp của Chính phủ, và đã sẵn lòng ủng hộ chúng tôi, ở Pháp – đó là hy vọng duy nhất của chúng tôi.
 
Ở nước Mỹ thì có nhiều thành công, còn chỗ khác đâu cũng chỉ gặp khó khăn.
 
Một trong những khó khăn Nguyễn Ái Quốc gặp phải cả ở Paris, là sự “công kích của bọn bồi bút thực dân”. Đó là báo Courrier Colonial ngày 29-6-1919 kịch liệt chỉ trích bản “Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam" (do Nguyễn Ái Quốc đại diện ký tên gửi hội nghị Véc-xây) với bài báo “Giờ phút nghiêm trọng” của Ca-mi Lơ Đờ-vi-la.
 
Đáp lại sự công kích đó, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài trả lời với đầu đề rất trực diện “TÂM ĐỊA THỰC DÂN”.
 
Với ngòi bút chính luận sắc bén, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần âm mưu xuyên tạc sự thật của báo chí thực dân, dã tâm đen tối của bè lũ thực dân Pháp đang cai trị quê hương xứ sở và nhiều nước khác trên thế giới.
 
Nguyễn Ái Quốc đã chĩa thẳng bài bút chiến vào bọn cướp nước ngay tại Paris, tố cáo dã tâm xâm lược thuộc địa và sự bóc lột dã man người lao động bản xứ. Nguyễn Ái Quốc lập luận chặt chẽ để cô lập bọn Pháp thực dân, tranh thủ lương tâm người Pháp chân chính, tiến bộ Pháp, giúp độc giả phân biệt rõ sự đối lập mâu thuẫn ngay trong nội bộ lũ thực dân, Người viết: “Chúng tôi nhấn mạnh những chữ, tên người trong lũ thực dân gian ác, các viên chức tàn bạo, vì chúng tôi biết rằng có những người thực dân chính trực, những viên chức công bằng, song họ còn lâu mới là đa số, thậm chí còn sợ rằng họ còn là một thiểu số rất nhỏ nữa”.
 
Qua “Tâm địa thực dân” tác giả Nguyễn Ái Quốc còn khoét sâu mâu thuẫn cá nhân giữa bọn Đơ-vi-la (tác giả bài “Giờ phút nghiêm trọng”) với Toàn quyền Pháp An-be Xa-rô ở Đông Dương khi ấy, làm cho Đơ-vi-la trở thành tâm điểm của sự phản kích của Nguyễn Ái Quốc và dư luận. Song tâm điểm Đơ-vi-la không phải là mục tiêu duy nhất, chủ yếu mà kẻ bị Nguyễn Ái Quốc công kích trong “Tâm địa thực dân” là cả chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương – “họ đang bóc lột, đày đọa người bản xứ, sống sung sướng bằng mồ hôi của dân thuộc địa, chủ nghĩa thực dân đẩy dân bản xứ vĩnh viễn ngập trong cảnh nô lệ”.
 
Lênin coi chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản… Đảng cộng sản (B) Nga đã làm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, chặt đứt 1 mắt xích của chủ nghĩa tư bản, lập nên chính quyền Xô Viết đầu tiên trên thế giới. Tiến tới giải phóng Tổ quốc đau thương, Nguyễn Ái Quốc đã dày công nghiên cứu chủ nghĩa thực dân, “lối rẽ” của chủ nghĩa đế quốc, coi đó là 1 con đỉa 2 vòi, “1 để hút máu nhân dân thuộc địa, 1 để hút máu công nhân, người lao động chính quốc”, Người kết luận: “Muốn đánh đổ chủ nghĩa thực dân phải “chặt đứt cả 2 vòi của con đỉa đó”. Người viết tiếp: “Ông Ca-mi Lơ Đơ-li-va – (tác giả bài: “Giờ phút nghiêm trọng”) khát khao danh hiệu người yêu chuộng chân lý trong thế giới này, và cả thế giới bên kia, sự khao khát ấy là chính đáng, chúng tôi vui lòng thừa nhận, nhưng ông cho phép chúng tôi chỉ cho ông thấy cái chân lý theo tâm địa của ông, cái chân lý theo quan niệm của bọn thực dân thù ghét dân bản xứ, không có gì là giống với chân lý theo quan niệm của người Pháp tốt ở nước Pháp cả. Sở dĩ chúng tôi nhận xét một cách lịch sự như vậy là nhằm tỏ thái độ tôn trọng quyền tự do ngôn luận”.
 
Qua đoạn văn viết trên “Tâm địa thực dân” cho thấy Nguyễn Ái Quốc khẳng định “Dân bản xứ” và những người Pháp tốt ở nước Pháp đều quan niệm về chân lý khác với những tên “thực dân độc ác, các viên chức tàn bạo”; điều đó chứng tỏ: chân lý đang thuộc về phái mạnh mặc dầu chúng là thiểu số, người lao động, dân xứ thuộc địa bị áp bức chẳng có gì ngoài xiềng xích.
 
“Tâm địa thực dân” là bài báo mà ở đó Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu thể hiện sự sáng tạo học thuyết Mác – Lênin.
 
Những độc giả đọc bài “Tâm địa thực dân” không hề thấy sự “đấu bút” giữa Nguyễn Ái Quốc và Đơ-vi-la, vì Đơ-vi-la chỉ là một đại diện, một bồi bút của lũ thực dân, nên y không là đối thủ của Nguyễn Ái Quốc, cả An-be Xa-rô cũng thế, sự phản kích của Nguyễn Ái Quốc chính là lũ thực dân đầu sỏ độc ác, lũ viên chức tàn bạo, kẻ đã cướp đoạt quyền sống của người dân xứ thuộc địa, và nhân dân thế giới.
 
Do đã được đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa trước khi gia nhập Đảng cộng sản Pháp nên một đoạn trong bài “Tâm địa thực dân”, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Nếu đã có một Đảng độc lập tồn tại thì Đảng này không phải đi ăn xin một vài quyền tự do, mà thiếu nó thì con người là một tên nô lệ khốn khó”. Như vậy Nguyễn Ái Quốc đã hình dung về một Đảng cách mạng, hình thành tư tưởng về độc lập tự do với quan điểm rõ ràng, phải chiến đấu đến cùng để giành lại độc lập tự do, nên tại Đại hội 18 Đảng xã hội Pháp với tư cách là đại biểu Đông Dương Nguyễn Ái Quốc đã nói: “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa, Đảng xã hội Pháp gia nhập Quốc tế III có nghĩa là Đảng đã hứa một cách cụ thể rằng: Từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa”.
 
“Tâm địa thực dân”, một trong các bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc, tuy là 1 bài báo trả lời công kích của tên bồi bút trung gian, nhưng nội dung là hàm chứa, thể hiện không chỉ 1 vấn đề, 1 chủ đề; cấu trúc bài báo cũng như sự vận dụng ngôn ngữ trong cấu trúc đó toát lên tư tưởng: “Phải làm một cuộc cách mạng triệt để, để giành độc lập cho Tổ quốc Việt Nam” – một quốc gia phương Đông không có tên trên bản đồ thế giới, đang bị 1 nước tư bản phương Tây đánh chiếm thống trị từ giữa thế kỷ 19 (1858 – thời Tự Đức) trùm lên che khuất.
 
Để chuẩn bị cho cuộc cách mạng nổ ra ngay trên Tổ quốc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã chọn phương thức vén dần tấm màu đen bằng hoạt động báo chí mà Mác, Ăng ghen và Lênin cũng như những người cách mạng đã chọn dùng nó. Người cho rằng hoạt động báo chí phải đi vào trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động để vận động, đoàn kết họ thành 1 lực lượng cách mạng; báo chí phải là vũ khí tấn công trực diện kẻ thù, muốn làm được những việc đó, báo chí cách mạng phải nằm trong tay những người có bản lĩnh, tri thức và đạo đức cách mạng, đủ sức hướng về chân lý, các mục tiêu cao cả của lương tri, tương lai của nhân loại…, nếu không có các thứ đó, sẽ trở thành một mũi dao sát thương, thậm chí tự diệt ngay mình như Cau-xki, Trốt-xki, và ngay cả tên bồi bút Đơ-vi-la, tác giả bài “Giờ phút nghiêm trọng” mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phê phán kịch liệt trong bài “Tâm địa thực dân” .
 
Năm 1922, Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút báo “Le Paria”, viết nhiều bài báo đả kích tên vua Khải Định sang viếng thăm, tri ân “mẫu quốc bảo hộ”; năm 1925 ra Báo Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc); năm 1941 ra Báo Việt Nam độc lập ngay sau khi về nước ở Cao Bằng.
 
Bài “Tâm địa thực dân” là bài báo đầu tiên của Người đến nay đã qua gần một thế kỷ vẫn làm cho chúng ta thấy hiện lên một cách nhất quán nội dung cách mạng triệt để và một chủ nghĩa nhân văn cao cả gắn liền với chân dung một Nhà báo Cách mạng vĩ đại.
 
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – từ bài báo đầu tiên “Tâm địa thực dân” đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam đến nay và mãi mãi sau này.
La Sơn Thái

Ý kiến bạn đọc