Multimedia Đọc Báo in

Đồng chí Trường Chinh với công cuộc đổi mới ở nước ta

08:47, 08/02/2012
Với 63 năm hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú, đồng chí Trường Chinh - nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người học trò, người cộng sự xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lý luận chiến lược, nhà văn hóa, nhà báo và là nhà thơ lớn, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam, đồng chí Trường Chinh "đã có những đóng góp rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới" của Đảng (1).

Ngày 10-7-1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần. Ngày 14-7-1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phiên đặc biệt, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng. Nhận trọng trách mới, đồng chí Trường Chinh đã cùng Trung ương Đảng tập trung lãnh đạo chuẩn bị tốt cho Đại hội VI - Đại hội đổi mới của Đảng.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng (họp từ ngày 7 đến 10-7-1986), đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: "Để thực hiện đường lối của Đảng đã được Đại hội lần thứ IV và Đại hội lần thứ V nêu ra, quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đòi hỏi chúng ta phải đổi mới trên nhiều mặt: đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ. Đại hội VI của Đảng ta phải đáp ứng yêu cầu đó. Bước đổi mới phải được thể hiện trong nội dung các văn kiện của Đảng, trước hết là trong Báo cáo chính trị và phương hướng bố trí nhân sự của Trung ương, của cấp ủy Đảng tại đại hội các cấp và Đại hội toàn quốc lần này" (2).

Đồng chí Trường Chính ( thứ 2 bìa phải) thăm hỏi, chúc Tết và lắng nghe ý kiến của CBCNV Nhà máy dệt Thành Công, nơi đột phá về công nghiệp - nhân dịp đồng chí vào thăm và làm việc với TP. HCM từ 16 đến 23-1-1985.  Ảnh: T.L
Đồng chí Trường Chính ( thứ 2 bìa phải) thăm hỏi, chúc Tết và lắng nghe ý kiến của CBCNV Nhà máy dệt Thành Công, nơi đột phá về công nghiệp - nhân dịp đồng chí vào thăm và làm việc với TP. HCM từ 16 đến 23-1-1985. (Ảnh: T.L)

Tư tưởng đổi mới của đồng chí Trường Chinh đã có từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20 và được thể hiện tại các Hội nghị cán bộ nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V trình Đại hội VI, ở Đại hội toàn quân (9-1986) và Đại hội Đảng các cấp. Tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ X (10-1986), đồng chí Trường Chinh khẳng định: "Thế giới ngày nay đang nhanh chóng đổi mới. Đối với cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại, đáp ứng những nhu cầu chính đáng và ngày càng cao của nhân dân. Đối với nước ta, đổi mới cũng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nước ta, vừa phù hợp với xu thế đổi mới của thời đại" (3).

Tư tưởng đổi mới của đồng chí Trường Chinh bao gồm những quan điểm cơ bản dưới đây:

Một là, quan điểm có tính nguyên tắc của đổi mới là phải kiên trì con đường và mục tiêu xã hội chủ nghĩa. "Đổi mới không có nghĩa là phủ nhận những quy luật phổ biến của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại, chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy" (4).

Quan điểm của đồng chí Trường Chinh được Hội nghị Trung ương 6 (khóa VI) khẳng định: "Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp".

Hai là, đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, nhưng trước hết phải đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đồng chí Trường Chinh cho rằng, trong những năm qua, chúng ta đã mắc sai lầm chủ quan nóng vội, làm trái quy luật khách quan, dẫn đến "đốt cháy giai đoạn, làm nhiều, làm nhanh, làm lớn quá sức mình". Đồng chí Trường Chinh nêu rõ: "Đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước là việc cấp bách, đồng thời là việc thường xuyên, lâu dài" (5).

Theo đồng chí Trường Chinh, không có đổi mới tư duy đi trước thì không có bất cứ một sự đổi mới nào cả. Trên cơ sở đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm mà hạ quyết tâm chuyển hướng bố trí cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý nhằm "giải phóng năng lực sản xuất hiện có, khai thác và phát huy mọi tiềm năng của đất nước để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất" (6).

Đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế, là một cống hiến xuất sắc về quan điểm lý luận của đồng chí Trường Chinh, góp phần hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta tại Đại hội VI.

Đổi mới tư duy kinh tế là sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, phù hợp với quy luật khách quan, với trình độ của nền kinh tế nước ta. Đó là tư duy biện chứng khoa học và cách mạng.

Ba là, đổi mới phải "lấy dân làm gốc", phải dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước lấy dân làm gốc", đồng chí Trường Chinh luôn nhắc nhở Đảng "phải tin tưởng ở nhân dân, mọi chủ trương, chính sách đều phải lấy dân làm gốc";

Đảng “phải giáo dục làm cho dân hiểu, dân tin ở Đảng, tạo ra phong trào cách mạng rộng lớn, sôi nổi của nhân dân lao động tự nguyện, hăng hái phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội".

Tại diễn đàn Đại hội VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: "Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân". Đó là cội nguồn thắng lợi của công cuộc đổi mới.

Bốn là, nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới là phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

Tại Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh xác định: "Để đảm bảo huy động được đầy đủ sức mạnh của nhân dân trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm cho việc tự giác vận dụng các quy luật, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tích cực của quần chúng, nhất thiết phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng" (7).

Đại hội VI của Đảng đã mở ra thời kỳ đổi mới sâu sắc và toàn diện trên đất nước ta. Đường lối đổi mới của Đảng đã được bổ sung, phát triển trong các Đại hội tiếp sau đó.

Thành tựu của hơn 25 năm đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới toàn diện do Đại hội VI của Đảng đề ra, mà đồng chí Trường Chinh là một trong những người khởi xướng.

Nguyễn Xuyến

 

(1) Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh, ngày 5-10-1988, tại Hà Nội.

(2) Tạp chí Cộng sản, số 3, tháng 2-1997- tr 24.

(3)6) Trường Chinh: Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và thời đại - NXBST - 1987 - tr 66 -67.

(4)(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI.

(7) Báo Nhân Dân, ngày 27-7-1986.


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.