Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Báo chí nước ngoài viết về Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - 1968

00:22, 10/02/2013

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - 1968 đã gây chấn động dữ dội trong dư luận không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Sự chấn động đó được thể hiện rõ qua những bài viết trên các báo nước ngoài.

Thời báo Nữu-ước, tờ báo lớn nhất nước Mỹ, số ra ngày 1-2-1968, viết: “Cuộc tiến công của đối phương đột nhập cả đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn cho thấy thêm những bằng chứng đau xót về sức mạnh có hạn của Mỹ ở châu Á. Bằng chứng cuộc tiến công táo bạo vào những thành phố chính ở miền Nam Việt Nam và bằng sự tập trung quân ở Khe Sanh, cộng sản đã làm tiêu tan niềm lạc quan bao trùm lên Hoa Thịnh Đốn và Sài Gòn trong mấy tháng qua. Đây rõ ràng không phải là hành động của một đối thủ đang yếu dần như các nhà quân sự Mỹ đã khẳng định hồi tháng 11 năm 1967”.

Cũng tờ báo này, số ra ngày 2-1-1968, nhấn mạnh: “Chiến thắng của Việt cộng chứng minh sự suy yếu của cơ cấu chính trị mà Mỹ dùng làm chỗ dựa trong cố gắng chiến tranh và đe dọa thủ tiêu hoàn toàn các cơ cấu chính trị đang suy yếu”. Tác giả bài báo còn đánh giá hậu quả đáng lo ngại: “Hậu quả chính trị do thắng lợi đáng kinh ngạc của Việt cộng gây ra lần này mới là nguy hại nhất”.

Tờ tin tức Hoa Thịnh Đốn, ngày 31-1-1968, viết: “Các cuộc tiến công ồ ạt, táo bạo của cộng sản ngày 31-1 vào Sài Gòn, 8 tỉnh lỵ và 30 thị trấn nhỏ hơn là một điều đáng kinh ngạc. Cảnh sát Mỹ đã phải đổ bộ bằng máy bay lên thẳng xuống nóc nhà sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong khói đạn để giành lại ngôi nhà được coi là “chống du kích”, nhưng bị cộng sản chiếm trong 6 giờ liền. Chỉ riêng cảnh tượng đó cũng đủ để buộc chính phủ Giôn-xơn dẹp đi, coi là không có giá trị những nhận định lạc quan của mình”.

Hãng thông tấn Rơi-tơ của Anh, ngày 3-2-1968, đưa tin: “Quy mô và tính chất ác liệt của các trận tấn công phối hợp ở Sài Gòn và các trung tâm quan trọng khác tại miền Nam Việt Nam làm cho Mỹ và các nước đồng minh rất đỗi ngạc nhiên”. Cũng hãng này, ngày 5-2-1968, chê trách: “Mỹ có đến nửa triệu quân ở Nam Việt Nam, đã mất 13 năm và đã tiêu mỗi ngày 60 triệu USD mà vẫn không bảo vệ được một tấc đất vuông nào ở miền Nam Việt Nam cả”.

Báo Người quan sát (Anh) viết: “Người ta không thể tin là một tình hình như thế lại có thể xảy ra”.

Báo Lơ Phi-ga-rô (Pháp), ngày 2-2-1968, bình luận: “Cuộc tiến công lừng danh của Việt cộng cho ta thấy trước hết cái tài tình của những người chỉ huy trong việc hướng dẫn cuộc chiến tranh vừa quân sự, vừa chính trị này. Về mặt đối nội, họ vừa thu được một thắng lợi lớn; họ chứng tỏ cho nhân dân Việt Nam thấy rằng, họ có thể đánh nơi nào và lúc nào cũng được. Họ làm cho chính phủ Sài Gòn và quân đội của chính phủ này trở thành một trò cười. Họ tăng cường sự kiểm soát của họ, và do đó, làm giảm bớt sự kiểm soát của chế độ Sài Gòn đối với dân thường, những người dân thường này thì đầy lòng kính nể và khâm phục đối với Mặt trận dân tộc giải phóng !”.

Báo Thế Giới (Pháp), ngày 1-2-1968, viết: “Người Mỹ đã từng khẳng định dân chúng Nam Việt Nam chịu đựng hơn là ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng, giờ đây liệu họ có thể nêu lên những lý lẽ như thế nữa không, sau khi xảy ra một cuộc biểu dương đáng khâm phục về sức mạnh và lòng dũng cảm của Việt cộng như vậy”.

Báo Chiến đấu (Pháp), ngày 1-2-1968, chua chát: “Điều hiển nhiên là người Mỹ đã thua đứt về mặt chính trị trong cuộc chiến tranh này rồi. Những gì xảy ra ở Sài Gòn cũng đủ cho thấy Mặt trận dân tộc giải phóng đã nắm được các tầng lớp dân chúng ở Nam Việt Nam trong mức độ lớn biết dường nào”.

Báo Nhân đạo, cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp, ra ngày 1-2-1968, khẳng định: “Đây là cuộc tiến công lớn nhất của các lực lượng vũ trang giải phóng. Những người yêu nước Nam Việt Nam đã chứng tỏ rằng, ở khắp nơi, quyền chủ động đang thuộc về họ, họ có thể quyết định địa điểm, thời gian của các cuộc tiến công làm cho Bộ chỉ huy Mỹ luôn luôn bở hơi tai”.

Tờ Diễn đàn của nhân dân Ba Lan, ngày 1-2-1968, ca ngợi: “Các trận đánh táo bạo được chuẩn bị tốt của những người yêu nước Nam Việt Nam là sự phát triển các cuộc tiến công trên một quy mô rộng lớn mà Quân giải phóng đã mở đầu trong tháng Giêng năm nay vào những lúc, ở những nơi và với hình thức mà họ lựa chọn. Quân giải phóng trên thực tế đã trói chân, khóa tay tất cả lực lượng chiến đấu của quân thù trong khắp các tỉnh”.

Tờ Time nổi tiếng của Mỹ, số ra ngày 31-3-2003, nhân kỷ niệm 80 năm tồn tại, đã dành một phần đặc biệt viết về những ngày đáng nhớ trong lịch sử nước Mỹ. Trong đó, có 2 ngày đặc biệt mà nhân dân và quân đội Mỹ không bao giờ quên, đó là ngày 31-1-1968 (Tết Mậu Thân) và ngày 30-4-1975.

Về ngày 31-1-1968 (báo Time ghi là Tet), tờ báo đăng ảnh một số lính Mỹ bị thương trong một cảnh đổ nát ở gần Sài Gòn và viết đại ý như sau: “Cuộc tấn công Tết của quân Bắc Việt làm cho quân Mỹ bất ngờ… Mỹ và đồng minh Nam Việt Nam nói rằng chiến thắng, nhưng là chiến thắng trống rỗng ! Công luận Mỹ nhận ra rằng, cuộc tấn công ấy là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam là vô cùng xuẩn động (folly). Giới quân sự Mỹ đòi đưa thêm 206.000 lính tới Việt Nam là một đòi hỏi không thể thực hiện được. Trận tấn công Tết khiến cho ông L.B.Giôn-xơn không thể tái ứng cử tổng thống…”. Còn tác giả Mỹ Neil Sheehan khi viết cuốn sách “Sự dối trá hào nhoáng” (A Bright Shining Lie) cũng cho rằng, tướng lĩnh và quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã nói dối trắng trợn nhân dân Mỹ rằng, cuộc công kích Tết Mậu Thân là chiến thắng của Mỹ và quân đồng minh miền Nam !

Trong lịch sử chiến tranh thế giới cũng như lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, chưa bao giờ có cuộc tiến công đồng loạt, đều khắp và rộng lớn như Mậu Thân 1968 đã làm rung chuyển cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, khiến báo chí rất đỗi ngạc nhiên.

                                                                                   Nguyễn Xuyến

 


Ý kiến bạn đọc