Multimedia Đọc Báo in

Báo chí nước ngoài ấn tượng trước tình cảm của nhân dân Việt Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

15:28, 15/10/2013
Nhiều hãng thông tấn nước ngoài đã đưa tin đậm nét về lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tất cả các bài báo đều nêu bật tình cảm chân thành mà người dân Việt Nam dành cho vị tướng huyền thoại.

Hãng tin AP đã miêu tả hàng trăm nghìn người xếp hàng hai bên quãng đường dài 40km suốt từ Nhà Tang lễ Quốc gia tới sân bay để tiễn biệt một “vị anh hùng huyền thoại đã dẫn dắt quân đội Việt Nam chiến thắng người Pháp và sau đó là người Mỹ”. Dòng người đã hô vang “Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm” và rất nhiều người bật khóc khi chiếc xe chở linh cữu phủ cờ đỏ sao vàng của ông đi qua.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên AP, bà Nguyễn Thị Vi, 71 tuổi, người Hà Tĩnh nói: “Không lời nào có thể tả hết được tình yêu và sự kính trọng mà người dân dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, khi đang chờ đợi trong đám đông. Bà cũng nói thêm: “Tôi cảm thấy như mình mất đi một người thân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ sống mãi trong trái tim người dân Việt Nam. Chúng tôi sẽ lập đền thờ ông để mọi người có thể tới và bày tỏ lòng thành kính với ông”.

Người dân Thủ đô  Hà Nội  tiễn biệt linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa  ra sân bay Nội Bài  về an táng tại  quê hương Quảng Bình.
Người dân Thủ đô Hà Nội tiễn biệt linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa ra sân bay Nội Bài về an táng tại quê hương Quảng Bình.

Hình ảnh những hàng người tiễn biệt đại tướng cũng được hãng tin Reuters tái hiện trong bài viết của mình. Hãng tin này viết: “Người Việt Nam ở thủ đô Hà Nội đã đổ ra đường để vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng đã khiến người Pháp và người Mỹ phải hứng chịu những thất bại lịch sử và đã trở thành một trong những vị chỉ huy quân sự quan trọng nhất trong thế kỷ 20”. Đám đông xếp hàng dọc theo các đường phố ở Hà Nội với hình ảnh đại tướng trong tay và than khóc tiễn đưa ông, một huyền thoại dân tộc. Reuters cũng cho biết, hàng trăm nghìn người xếp thành một hàng dài tới tận sân bay để nhìn thấy Đại tướng một lần cuối.

Trong khi đó, hãng tin BBC đưa tin, sáng Chủ nhật, hai hàng binh lính trong quân phục màu trắng đã kính cẩn chuyển quan tài của Đại tướng ra khỏi Nhà tang lễ trong khi những chiến sĩ khác mang theo hình ảnh Đại tướng đi phía trước. Sau đó, linh cữu của Đại tướng đặt trên một chiếc xe kéo pháo, được phủ quốc kỳ và nằm trong một hộp kính. Hàng nghìn người dân đã đứng dọc hai bên con đường dẫn tới sân bay, nơi linh cữu của Đại tướng sẽ được đưa bằng máy bay tới Quảng Bình, quê hương ông.

BBC cho biết, ông Phan Thành Công, một người dân Quảng Bình sống gần nơi chôn cất Đại tướng và là một cựu chiến binh nói rằng người dân nơi đây rất tự hào vì Đại tướng đã lựa chọn nơi này làm nơi yên nghỉ cuối cùng của mình.

Còn hãng tin AFP đã tường thuật quang cảnh hàng chục nghìn người dân đã tụ tập từ sáng sớm tại vườn hoa trước Nhà tang lễ Quốc gia để có thể nhìn thấy vị tướng vĩ đại một lần cuối cùng. Bà Nguyễn Thị Bảy, 68 tuổi, cho biết: “Tôi sẽ không thể ngủ được nếu tôi không tới đây để nhìn thấy Người một lần cuối. Ông ấy là một người vĩ đại, tài năng với tinh thần thanh khiết”. Theo AFP, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được coi như một biểu tượng dân tộc của người dân Việt Nam, thậm chí đối với cả những thế hệ thanh niên sinh ra sau chiến tranh.

AFP cũng dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong lễ tang: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của nhân dân và tên ông sẽ được khắc sâu trong lịch sử dân tộc”. Tổng Bí thư cũng đánh giá sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một “mất mát lớn” đối với người dân Việt Nam.

Khi chiếc xe quân sự chở linh cữu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua các tuyến đường ở Hà Nội, nhiều người dân đứng hai bên đường đã quỳ xuống để cầu nguyện và bày tỏ lòng thành kính với ông. Nhiều người hô to: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm”.

Ông Trần Hùng Tuy, một cựu chiến binh đã nghỉ hưu, nói với AFP: “Đại tướng ra đi đã mang theo một phần chiến thắng vinh quang của chúng tôi. Đây là lễ quốc tang lớn nhất kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969”. Tại Quảng Bình, quê hương của Đại tướng, rất đông người dân người dân cầm theo di ảnh của Đại tướng hoặc những bó hoa màu vàng để chờ đón ở sân bay cũng như các tuyến đường dẫn tới nơi yên nghỉ cuối cùng của ông.

                                                                                                                          (Theo NDO)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.