Chuyện thưởng phạt những người đi biển của vua Minh Mạng
Thuyền thời Nguyễn. Ảnh: Tư liệu |
Nhận thấy tầm quan trọng của việc vận chuyển đường biển, nên năm Minh Mạng thứ 17, nhà vua đã ra chỉ dụ rằng: “Đất nước ta có nhiều nơi ven biển, các thuyền thủy sư có quan hệ rất lớn tới những việc trọng yếu. Mọi cơ nghi tiến hay dừng, đều trách cứ ở thợ lái, quen thuộc đường biển nơi khó nơi dễ, gió nước thuận tiện hay không, thì thợ lái coi như là thầy của một thuyền. Lúc bình thường không việc, nếu không lựa chọn được người giỏi mà huấn luyện sẵn sàng, để đủ sai phái khi có việc, thì ví như đến lúc khát mới đào giếng, muốn đòi hỏi họ hoàn thành công việc quả thực là khó vậy. Từ trước đến nay, thuyền bè phái đi việc công, thợ lái phần nhiều lấy binh lính làm. Trong số đó hạng hơi được thông thuộc chỉ có một hai người, mà hạng không am thuộc gì thì nhiều. Khi đến việc phần nhiều là không đắc lực. Thực là do lúc bình thường lựa chọn chưa chu đáo. Nay ra lệnh ở kinh do Bộ Công hội đồng với thống quản thủy sư lấy người nào làm được thợ lái, sát hạch kỹ càng, hỏi về các nơi đường bể nông sâu, khó dễ, cát ngầm, đá mỏm nên tránh, và khi chạy ra biển trông lại hình núi ở biển, tỉnh nào nên lấy núi nào làm chuẩn, cho đến chiều trời tiết gió, các việc nên chuyển phương hướng, nên tiến hay nên dừng. Ai mười phần am hiểu thông thạo thì hạng ưu, thạo tám chín phần là hạng bình, thạo năm sáu phần là hạng thứ, châm chước bàn định ai đáng đề bạt bổ nhiệm làm chánh đội trưởng, đội trưởng, ngoại ủy đội trưởng, ai đáng cấp tiền gạo gấp đôi thì kê sách tâu rõ đợi chỉ gia ân”.
Như vậy, có thể thấy Minh Mạng đã ý thức được tầm quan trọng của việc đào tạo những tay lái thuyền giỏi để sai phái phục vụ cho công việc nước nhà. Thông qua những chính sách thi cử sát hạch bổ nhiệm người am hiểu về công việc đi biển đó mà triều đình cấp phát lương bổng tùy theo khả năng và chức vụ.
Để công việc đường biển được lưu thông thuận tiện, vua Minh Mạng đã quy định rằng: đường biển gặp gió bão mà đoàn thuyền khác nhau có vượt qua được hay không, cần phân biệt để tỏ sự khuyên răn. Từ nay nếu đoàn thuyền vượt được, ngẫu nhiên một hai thuyền bị cạn húc đá đến nỗi chìm đắm, thì viên ngồi thuyền và các tên thợ lái phải giao cho bộ bàn xử thêm bậc tội. Còn những thuyền vượt được ổn thỏa, quả là qua cơn sóng gió hiểm ác, thực trạng có buồm nghiêng cột đổ, mà giữ được hoàn toàn của công, thì do bộ đem tình hình tâu rõ, đợi lệnh cân nhắc ban thưởng, tỏ sự khuyến khích. Thêm nữa hàng năm việc vận tải đường biển được xong xuôi yên ổn, thì Bộ Công đem họ tên viên quản đoàn cùng cả thợ lái ghi vào sổ thanh toán lệnh thưởng để tỏ sự khuyến khích.
Có thể thấy rằng trong lời dụ này, Minh Mạng đã rất nghiêm khắc trong việc xử phạt những người đi biển không hoàn thành nhiệm vụ khi để đắm thuyền mất hàng, và khen thưởng xứng đáng những lái thuyền hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ được hàng hóa an toàn. Để minh chứng cho việc này, vào năm Minh Mạng thứ 13, khi 36 chiếc thuyền lớn nhỏ của thủy sư ở kinh được phái đi Bắc Kỳ chở hàng đã về an toàn, nhà vua đã ra lệnh thưởng ngay cho mỗi người 2 tấm sa màu để tỏ rõ sự khuyến khích. Ngược lại khi một chiếc thuyền hiệu chữ Định số 1 do kinh phái đi lĩnh vận ván gỗ ở Quảng Bình, nhân gió bị mắc cạn, rõ ràng là do lái chạy sai trái nên suất đội thủy sư chia ngồi thuyền bị cắt chức ngay, thợ lái đánh 100 trượng, gông bêu 1 tháng, mãn hạn giao theo tỉnh ấy sai phái để chuộc lỗi.
Những quy định thưởng – phạt phân minh như vậy đã khuyến khích các đội thủy binh thời Minh Mạng anh dũng vượt sóng gió đi khai thác các sản vật ở Hoàng Sa và cắm mốc chủ quyền ở nơi này.
Nguyễn Huy Khuyến (biên soạn)
Ý kiến bạn đọc