Multimedia Đọc Báo in

Nhà trưng bày Hoàng Sa – Trường Sa

10:39, 29/10/2013

Nằm ngay trung tâm huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cụm tượng đài và Nhà trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đứng sừng sững trước sóng biển và nắng gió như biểu tượng khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

Tượng Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và Nhà trưng bày tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn.    Ảnh: T.L
Tượng Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và Nhà trưng bày tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: T.L

Cụm tượng đài gồm 3 tượng đều cao 4,5 mét, nặng khoảng 40 tấn. Tượng đứng giữa là cai đội mặc trang phục triều đình, tay chỉ về phía Hoàng Sa, tay kia đặt lên cột mốc khắc dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai tượng còn lại khắc họa hình ảnh một người cởi trần vác lưới, một người mặc áo chùng. Phía sau cụm tượng khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa thứ tối thị hiểm yếu” (Hoàng Sa là vị trí cực kỳ hiểm yếu nơi biên giới quốc gia). Xung quanh chân tượng đài được trồng hoa ngũ sắc; còn trong khuôn viên của nhà trưng bày được trồng thêm cây bàng vuông – một loại cây đặc trưng ở Trường Sa tượng trưng sự vững vàng trước sóng gió của nhân dân trên đảo.

Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải gồm 3 phòng; ở hai bên đầu hồi được sử dụng làm kho bảo quản tài liệu, hiện vật, phòng lễ tân và tủ sách để phục vụ bạn đọc; phòng ở giữa với diện tích 150m2 chính là không gian dành để trưng bày những hiện vật cũng như những sử liệu nói về hoạt động của đội Hoàng Sa. Trong phòng trưng bày, các hiện vật được sắp đặt thành 3 phần: Lý Sơn – Tịnh Kỳ quê hương của đội Hoàng Sa – Trường Sa; Hoạt động của đội Hoàng Sa – Trường Sa và sự tôn vinh của nhân dân Lý Sơn – Quảng Ngãi đối với những người lính Hoàng Sa – Trường Sa; Phát huy truyền thống của đội Hoàng Sa – Trường Sa, nhân dân ta tiếp tục thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

Tại nhà trưng bày, các hiện vật của những chiến binh đi Hoàng Sa được đặt trang trọng trong tủ kính hay gắn trên tường như: hai chiếu cói, 7 dây mây, 7 nẹp tre, 7 thẻ tre để đồng đội dùng bó xác những người lính đi Hoàng Sa nếu gặp chuyện chẳng lành; lu đựng nước, dầu rái và xơ đay dùng để sửa chữa khi thuyền bị lậu nước. Ấn tượng nhất là chiếc thuyền nan phục chế của nghệ nhân Võ Hiển Đạt (thôn Đông, An Vĩnh, Lý Sơn) mà ngày xưa các chiến binh kiên trung vượt sóng. Đặc biệt, bài vị của các anh hùng kiệt xuất trong công cuộc tiên phong mở cõi và khẳng định chủ quyền được đặt trang nghiêm giữa phòng trưng bày như: Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, Võ Văn Khiết…

Trên tường và trong các tủ kính còn trưng bày các bản đồ thể hiện chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo trên như An Nam đại quốc họa đồ, bản đồ Việt Nam do người Hà Lan vẽ năm 1954, bản đồ Nam Việt trong cuốn Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ vào thế kỷ 19, cả bản đồ Trung Quốc do nhà Thanh vẽ năm 1910 thể hiện lãnh thổ của mình chỉ đến đảo Hải Nam… Hay những trích đoạn trong các sách như Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục, Việt sử cương giám khảo lược, Đại Nam nhất thống chí nói về quá trình thực thi chủ quyền của ta đối với hai quần đảo này. Ngoài ra còn có những tấm ảnh tư liệu về Hải đội hùng binh năm xưa, cũng như những hoạt động bước tiếp truyền thống ngày nay, các tài liệu nói về chủ quyền của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa được sưu tầm trong nước và cả nước ngoài, chủ yếu bằng chữ Hán nôm và tiếng Pháp.

Lê Xuân Thọ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.