Về nơi khởi đầu cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám
Cây đa cùng biển di tích trước cửa khu chợ Chu - nơi diễn ra cuộc mít tinh khởi đầu cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. |
Theo cuốn Lịch sử Định Hóa của tác giả Lê Nhâm, người dày công viết lịch sử cách mạng của quê hương, chợ Chu là địa điểm đặc biệt quan trọng, là nơi khởi đầu của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Vẫn còn đây, trước cửa chợ Chu là hai cây đa lịch sử ghi dấu ấn ngày 28-3-1945. Tại đây, đúng ngày này đã diễn ra cuộc mít tinh lịch sử với hàng nghìn quần chúng tham gia. Trong cuộc mít tinh này, Việt Minh huyện Định Hóa đã tuyên bố xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai. Từ địa điểm Chợ Chu, ngọn lửa của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám bùng lên mạnh mẽ, lan rộng khắp tỉnh Thái Nguyên và Mặt trận Việt Minh tiến về Hà Nội giành chính quyền về tay nhân dân.
Sau này, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chợ Chu là căn cứ địa quan trọng, nơi Bác Hồ từng đặt chân tới và ở lại trong những ngày chuẩn bị Chiến dịch Thu - Đông. Nơi Bác ở là chùa Hang cách cây đa chợ Chu khoảng 700 m. Với cấu trúc đặc biệt, không giống cấu trúc của những ngôi chùa thông thường, chùa Hang được “thiên tạo” trong hang đá. Bước vào cửa chùa là một vòng tròn cửa hang khá rộng và thoáng mát, bên trong là một hang sâu với vòm mái cao, phẳng được “sắp xếp” bởi nhiều hình khối khác nhau của đá. Không gian chùa có hai gian: Gian trên gần cửa hang và gian dưới thấp hơn gần cửa sau của chùa. Phía bên trong nữa là hang sâu chưa được khám phá.
Chợ Chu thời Pháp xây dựng. |
Trong những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp, những ngày đầu khi cách mạng còn trong “trứng nước” vô cùng khó khăn, gian khổ, chùa Hang còn là một căn cứ cách mạng quan trọng. Trong tình thế giặc Pháp truy lùng, càn quét lực lượng cách mạng, nhất là cơ quan đầu não của Đảng ta, chùa Hang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc bí mật, luận bàn những kế sách quan trọng chuẩn bị cho Chiến dịch Thu - Đông năm 1950. Vì vậy, ngày nay cùng với ban thờ Phật, chùa Hang còn có ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thiêng liêng và tôn kính. Điều đặc biệt, ban thờ Bác Hồ được đặt ngang với ban thờ Phật trong không gian chùa. Khi được hỏi về điều này, sư thầy trụ trì chùa Hang Thích Thanh Thắng cho biết: “Trong lòng dân, Bác Hồ là một vị phật nhân từ, bác ái, nên đặt ban thờ như vậy là một niềm tôn kính vô cùng”. Đến thăm chùa Hang, không khí linh thiêng hòa cùng không khí cách mạng năm xưa làm cho lòng người không khỏi rưng rưng cảm xúc.
Ngày nay, chợ trung tâm của thị trấn Chợ Chu được xây dựng khang trang hơn ở một khu mới, song vẫn còn đó chợ Chu thời Pháp cùng hai cây đa tọa lạc ngay giữa ngã ba đường. Tuy có chợ mới nhưng người dân khu vực này hằng ngày vẫn lấy chợ Chu cũ là nơi họp chợ, bày bán hàng hóa. Và các khu di tích chợ Chu, chùa Hang như một nét son lịch sử để mỗi người dân tìm đến, hướng về nguồn cội.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc