Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm hai lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

09:14, 29/06/2014
Thời còn học cấp một phổ thông, tôi được biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên qua bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu. Hình ảnh vị Đại tướng đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu: “Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp” đã đi vào ký ức tôi từ những ngày đó.
 
Thế rồi, lần đầu tiên tôi được vinh dự gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một hoàn cảnh đặc biệt. Hôm ấy, vào khoảng 6 giờ sáng ngày mồng một Tết Nguyên đán năm Đinh Mùi (1967), tôi cùng các bạn trong lớp 7, Trường cấp hai xã Bảo Ninh, cùng bà con thị xã Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) và bộ đội ta tham gia chiến dịch vận chuyển hàng hóa vào chiến trường miền Nam ngay tại bờ sông Nhật Lệ thì bất ngờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện. Trong bộ quân phục đã bạc màu, dáng người nhanh nhẹn, chắc khỏe, Đại tướng bước đến giơ tay vẫy chào mọi người. Sau đó Đại tướng cầm loa và nói:  “Đồng bào, đồng chí thân mến! Theo đề nghị của Chính phủ ta, Tết Nguyên đán năm nay, giặc Mỹ ngừng ném bom toàn miền Bắc nước ta trong thời gian ba ngày, bắt đầu từ không giờ đêm 30 Tết đến không giờ ngày mồng ba Tết. Do đó, Bác Hồ và Đảng ta chỉ đạo, phải tranh thủ từng giây, từng phút vận chuyển thật nhiều hàng hóa vào chiến trường miền Nam. Tôi mong rằng, trong những ngày này đồng bào, đồng chí quyết tâm làm việc gấp hai, gấp ba lần, vận chuyển hàng hóa vào chiến trường miền Nam, càng nhiều càng tốt, nhưng phải đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn tính mạng và hàng hóa của Nhà nước, với tinh thần tất cả cho đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Lời Đại tướng vừa dứt, hàng tràng pháo tay vang dậy cả bờ sông Nhật Lệ, như truyền thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Sau đó, đoàn văn công Tổng cục Chính trị được cử đến phục vụ. Các ca sĩ (trong đó nổi nhất là ca sĩ Tường Vi) liên tiếp hát những ca khúc truyền thống: “Quảng Bình quê ta ơi”, “Nổi lửa lên em”, “Tiếng đàn Ta Lư”…Những ca khúc này như thúc giục chúng tôi hăng hái bốc hàng xuống hàng trăm chiếc thuyền đang nối đuôi nhau chở hàng vào tiền tuyến, với tinh thần tất cả cho giải phóng miền Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi nhân dân địa phương  và anh chị em công nhân đội vận tải Sông Gianh, Quảng Bình đã góp phần đắc lực trong việc vận chuyển hàng ra tiền tuyến năm 1968.      Ảnh: T.L
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi nhân dân địa phương và anh chị em công nhân đội vận tải Sông Gianh, Quảng Bình đã góp phần đắc lực trong việc vận chuyển hàng ra tiền tuyến năm 1968. Ảnh: T.L

 Lần thứ hai, tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào dịp đi dự Đại hội Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (lần thứ 2 năm 1990) tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Hôm ấy là ngày 15-9-1990, vào khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi là những hội viên của Hội Văn nghệ Dân gian đã ngồi đầy đủ trong hội trường, bất ngờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước vào hội trường. Trong bộ quân phục màu trắng, khuôn mặt hồng hào, nụ cười hiền hậu, Đại tướng giơ tay vẫy chào chúng tôi. Tất cả đại biểu dự đại hội đều đứng dậy vỗ tay đón chào Đại tướng. Tiếng vỗ tay cứ kéo dài mãi, đến khi Đại tướng giơ tay ra hiệu thì mới ngừng hẳn. Giáo sư Trần Quốc Vượng (Trưởng Ban tổ chức Đại hội) mời Đại tướng ngồi vào hàng ghế danh dự.

Giờ giải lao, Đại tướng lần lượt đi bắt tay thăm hỏi các đại biểu dự đại hội. Đến lượt tôi, Đại tướng bắt tay và hỏi: “Cháu quê ở đâu? Tôi lễ phép trả lời: Dạ, thưa bác! Cháu quê ở xã Bảo Ninh, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình”. Đại tướng cười hiền từ rồi nói: “Thế là bác cháu ta cùng đồng hương rồi!”. Đại tướng nói tiếp: “Bảo Ninh quê cháu có hai nữ anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là bà mẹ Suốt và bà mẹ Khíu. Đây là niềm vinh dự, tự hào của quê hương Quảng Bình chúng ta và của nhân dân cả nước. Về văn nghệ dân gian, Đồng Hới quê cháu và Lệ Thủy quê bác có làn điệu hò khoan vô cùng khoan thai, độc đáo. Cháu cố gắng sưu tầm, bảo tồn và giới thiệu cho nhân dân cả nước biết đến loại dân ca tình tứ này của quê hương mình, nghe cháu”. Tôi thành kính trả lời: “Dạ! Cháu sẽ cố gắng”. (Chính nhờ sự căn dặn này của Đại tướng mà đến năm 2000, tôi đã hoàn thành cuốn sách “Văn hóa dân gian làng biển Bảo Ninh”, trong đó gần một nửa cuốn sách, tôi đã giới thiệu khá đầy đủ về làn điệu hò khoan của vùng sông nước quê hương Quảng Bình). Sau đó Đại tướng lần lượt đi thăm hỏi các đại biểu, rồi bước đến gặp Giáo sư Trần Quốc Vượng và hỏi: “Hội ta chuyên sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian truyền thống, thế có sưu tầm được văn nghệ dân gian hiện đại không?”. Giáo sư Trần Quốc Vượng nhanh nhẹn trả lời: “Dạ, thưa Đại tướng có ạ!”. Rồi GS Trần Quốc Vượng đọc câu thơ:

“Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên

Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về”.

Nghe xong, Đại tướng cười vui vẻ, và nói: “Cảm ơn Giáo sư Trần Quốc Vượng”.

Dự Đại hội Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (lần thứ 2), Đại tướng phát biểu chúc mừng và đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội trong nhiệm kỳ qua, đồng thời căn dặn anh chị em Hội Văn nghệ Dân gian phải đoàn kết, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Rồi Đại tướng nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đại hội đã bầu Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chủ tịch danh dự của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (nhiệm kỳ 1990-1995). Kết thúc Đại hội, chúng tôi được chụp ảnh chung với Đại tướng. Lúc ấy, ai cũng muốn đứng gần Đại tướng để có được bức ảnh kỷ niệm độc đáo này.    

Đó là những kỷ niệm sâu sắc của đời tôi vinh dự hai lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vị Đại tướng của lòng dân. Vị Đại tướng của đội ngũ văn nghệ sĩ.     

Trương Bi


Ý kiến bạn đọc