Chung tay giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc
Trong những năm qua, công tác bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, ngoài nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước còn có sự tham gia tích cực của người dân. Thông qua các đợt tuyên truyền, vận động, các cá nhân, tập thể trong và ngoài tỉnh, thậm chí có những cá nhân ở nước ngoài đã tự nguyện hiến tặng hàng trăm hiện vật có giá trị.
Bảo tàng tỉnh hiện đang quản lý, lưu trữ trên 13.000 hiện vật, kỷ vật qua các thời kỳ. Thông qua các kênh, trung bình mỗi năm Bảo tàng phát hiện, sưu tầm thêm 300 hiện vật, trong đó có trên 50% do cá nhân, tập thể hiến tặng. Riêng năm 2014, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, tiếp nhận 203 hiện vật, gồm: 55 hiện vật văn hóa dân tộc, 33 hiện vật lịch sử, 83 hiện vật khảo cổ, 14 hiện vật đa đạng sinh học và 18 hiện vật về biển đảo. Tất cả hiện vật đã qua thẩm định và sẽ được nhập kho nhằm phục vụ cho công tác bảo quản, nghiên cứu và trưng bày. Trong số đó cần phải kể đến sự đóng góp của ông Joseph Carrier, quốc tịch Mỹ - người đã từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, hiến tặng 3 quyển sách, 1 đĩa CD, 7 phim âm bản, 187 phim dương bản; ông Y Biêr Niê (buôn Gram A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) hiến tặng một chiếc ghế K’pan (loại ghế dài truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê), đã trải qua ít nhất 3 đời sử dụng; ông Y Man Ajun (cùng ở buôn Gram A) hiến tặng 2 bộ đồ truyền thống người Êđê, dệt bằng sợi bông tự nhiên có từ thế kỷ XIX. Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình (thôn 4, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) hiến tặng chiếc Huy hiệu Chiến sĩ thi đua. Đây là thành tích ông có được khi bắn cháy một chiếc xe tăng của địch trong một trận càn quét quy mô lớn tại TP. Pleiku (Gia Lai) năm 1974. Đối với người lính già này thì Huy hiệu đó rất quý, tuy nhiên ông nói khi mang kỷ vật hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh: “Tôi biết đó là kỷ vật quý nhưng không thể phát huy giá trị đích thực của nó, không biết làm sao truyền đạt hết ý cho con cháu hiểu, nay nhờ Bảo tàng giữ gìn để có thể thực hiện được điều đó”.
Ông Cao Văn Thiệu trao tặng kỷ vật cho nhân viên Bảo tàng (Ảnh Bảo tàng tỉnh cung cấp). |
Cùng chung suy nghĩ như ông Bình, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tý (số nhà 12, đường Hoàng Triều, Tổ dân phố 2, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) cũng đã hiến tặng cho Bảo tàng chiếc Ănggô mà ông luôn mang bên mình trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong những năm tháng gian khổ đó, chiếc Ănggô là “vật bất ly thân” đối với người lính Cụ Hồ như ông, Ănggô vừa là dụng cụ đựng thức ăn vừa dùng để uống nước, nấu chín thức ăn, giúp người lính vượt qua thời kỳ bom đạn. Đối với ông, kỷ vật đó là một phần không thể thiếu trong cuộc đời. Tuy nhiên, với tâm niệm, sống trong đời cần phải làm một việc gì có ý nghĩa, ông đã hiến tặng cho Bảo tàng nhằm góp phần vào việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Câu chuyện của cụ ông Cao Văn Thiệu (95 tuổi, Tổ dân phố 2, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ) cũng khiến người nghe vô cùng xúc động. Ông từng là thầy giáo dạy học lớp Bình dân học vụ cho bộ đội ta trong những năm 1957-1960 ở miền Bắc, được Chính phủ phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Mới đây, ông đã mang tất cả những kỷ vật hiến tặng Bảo tàng… Một số cán bộ từng là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ như: đồng chí Huỳnh Văn Cần (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy), đồng chí Nguyễn An Vinh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Buôn Ma Thuột), đồng chí Ama Thương, Lê Chí Quyết (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy)... cũng đã có nhiều kỷ vật chiến tranh hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh.
Tiến sĩ Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Từ trước đến nay, tỉnh ta chưa tổ chức một cuộc vận động, phát động hiến tặng hiện vật trên quy mô rộng lớn. Do đó, chưa nhận được sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ từ người dân trong tỉnh. Mới đây, nhân kỷ niệm 110 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển (22-11-1904 - 22-11-2014), UBND TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức cuộc vận động hiến tặng kỷ vật để lưu giữ và trưng bày. Việc kêu gọi hiến tặng hiện vật là hướng đi mới nhằm giúp các cơ quan Nhà nước tập hợp, lưu giữ, bảo quản những hiện vật có giá trị; tránh việc các hiện vật bị thất thoát, vận chuyển lậu ra nước ngoài tiêu thụ, gây thiệt hại cho lịch sử, văn hóa quốc gia. Đồng thời, đây còn là hoạt động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc trong nhân dân”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc