Multimedia Đọc Báo in

Chuyện tiếp quản "dạ dày thép" của địch

09:41, 10/03/2015
Mỗi khi có dịp ngồi lại hàn huyên với các đồng đội của mình, ông Nguyễn Hữu Mai ở phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) lại kể về kỷ niệm những ngày tiếp quản khu kho Mai Hắc Đế - nơi từng được mệnh danh là “dạ dày thép”, chứa khối lượng lớn vũ khí, đạn dược của ngụy – sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không trực tiếp tham gia trận đánh tại Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 nhưng ông Nguyễn Hữu Mai cùng với các đồng đội thuộc Sư đoàn 968 ngày ấy đã góp phần quan trọng làm nên thành công của Chiến dịch Tây Nguyên với nhiệm vụ thay chốt ở vị trí Kon Tum và Pleiku của 2 sư đoàn bộ binh quân giải phóng nổi tiếng là Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320, thực hiện “đòn” nghi binh, đánh để kéo, giữ được quân địch ở Bắc Tây Nguyên. Những ngày tháng 3 lịch sử ấy đã in sâu trong ký ức của ông Mai, đó là tinh thần phơi phới trước ngày độc lập, thống nhất Tổ quốc đang gần trước mắt, đó là khí thế tiến công như chẻ tre của quân ta. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Mai và các đồng đội của mình tiếp tục làm nhiệm vụ truy quét Fulrô trên khắp các địa bàn Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Hữu Mai (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội ôn lại những hồi ức xưa.
Ông Nguyễn Hữu Mai (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội ôn lại những hồi ức xưa.

Tháng 6-1976, Tiểu đoàn 4 thuộc Sư đoàn 968 do ông làm Chính trị viên được giao nhiệm vụ tiếp quản kho Mai Hắc Đế. Trước năm 1975, kho Mai Hắc Đế lưu chứa khối lượng vũ khí khổng lồ, vốn được xem là “dạ dày thép” tiềm lực quân sự Mỹ - ngụy trên chiến trường Tây Nguyên. Sau giải phóng, kho Mai Hắc Đế tiếp tục được ta tận dụng làm nơi tiếp nhận, bảo quản vũ khí, đạn dược thu dọn từ khắp các chiến trường chuyển về. Ông Mai nhớ lại: “Ngày chúng tôi mới đến tiếp quản, kho Mai Hắc Đế phần nào còn nguyên hiện trạng như trước đây, có thể hình dung được quy mô lớn của nó, đó là khu kho rộng hàng trăm héc-ta với hơn 60 nhà kho và gần 40 kho dã chiến với nhiều lớp bảo vệ: hào chống tăng có gài mìn, hàng rào kép, hàng rào đơn, hàng rào thép gai bùng nhùng, hàng rào tôn... Khi chúng tôi nhận nhiệm vụ ở kho, thỉnh thoảng lại có xác những con thú rừng chết vì bị vướng mìn khi vào khu vực này. Điều đó cho thấy khu vực này được quân ngụy xem trọng và bảo vệ nghiêm ngặt cỡ nào, càng thấy được sức mạnh, ý chí và sự anh dũng của quân đội ta trong trận đánh Buôn Ma Thuột tháng 3 lịch sử ấy”.

Những ngày đầu sau giải phóng, khối lượng vũ khí, đạn dược thu dọn từ các chiến trường chuyển về nhiều đến nỗi ông Mai và đồng đội phải làm ngày làm đêm. Mỗi ngày kho Mai Hắc Đế tiếp nhận khoảng 60 xe vận chuyển vũ khí tập kết về. Đơn vị ông Mai phải chuyển xuống để giải phóng xe rồi phân loại, những loại vũ khí nào hết tuổi thọ phải đem tiêu hủy, còn lại lưu kho, bảo quản. Công việc nhiều, đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro, tai nạn vì hằng ngày phải xử lý trực tiếp toàn những vật liệu dễ nổ, vũ khí có tính sát thương cao, thậm chí có cả hàng chục tấn chất độc hóa học mà địch bỏ lại. Ông Mai kể: “Tôi nhớ trong kho có khoảng 24 tấn chất độc hóa học cần phải tiêu hủy. Tiếp xúc với loại chất hóa học này rất khó chịu, chỉ cần đi gần đến nơi chứa chúng là hắt hơi liên tục, khi mặt trời lên chiếu vào những phuy chất độc thì không thể làm việc nổi vì hơi bốc lên khiến nước mắt nước mũi giàn dụa. Mới đầu chúng tôi xử lý bằng cách chôn và rắc vôi; sau đó xử lý lại bằng hóa chất khác để chúng tự tiêu hủy. Các loại đạn cũng phải tùy từng loại mà tiêu hủy: đạn con thì cho vào lô cốt rồi đốt; đạn khói cũng mang đốt; bom mìn thì đào hố rồi đặt kíp mìn gây nổ… Số lượng đạn dược, vũ khí phải tiêu hủy rất nhiều, mỗi lần mang tiêu hủy khoảng 2-3 tấn”.

Công tác ở kho Mai Hắc Đế cũng tạo nên cơ duyên để ông Mai và những đồng đội như Thiếu tá Trần Đình Bảng, Đại úy Phạm Hồng Thống gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất Buôn Ma Thuột và hơn thế lại được sinh sống ngay trên con đường Mai Hắc Đế. Các ông cũng là những người chứng kiến rõ rệt sự đổi thay nhanh chóng của Buôn Ma Thuột, con đường Mai Hắc Đế trước đây vốn chủ yếu tập trung các cơ sở quân sự của ngụy giờ đã trở thành tuyến đường to, đẹp, dân cư sầm uất của thành phố. Kho Mai Hắc Đế dù đã thu nhỏ diện tích, nhưng vẫn được sử dụng là kho cấp chiến lược thuộc Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ chính là tiếp nhận, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật để cung cấp cho các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Hồng Đàm 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.