Từ lều cỏ Radơlíp đến lán Nà Lừa
Từ khi Anh đứng dậy
Trái đất bắt đầu cười
Và loài người, từ đấy
Ca bài ca Tháng Mười!...
Đây Việt Nam Tháng Tám
Em Liên Xô Tháng Mười!
Đoạn thơ trên trích trong bài thơ “Bài ca Tháng Mười” của Tố Hữu được viết năm 1950, đề cập đến hai cuộc cách mạng điển hình của thế kỷ hai mươi: một cuộc cách mạng giải phóng loài người, một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa.
Có sự trùng hợp lý thú là đêm trước của cách mạng, hai lãnh tụ thiên tài Lênin và Hồ Chí Minh, Người thì ở lều cỏ bên hồ Radơlíp, Người thì ở lán Nà Lừa. Lênin gọi nơi làm việc của mình có hồ nước, có rừng, gắn với thiên nhiên là Phòng Xanh, chuẩn bị cho cuộc cách mạng với khẩu hiệu: “Toàn bộ chính quyền về tay Xô viết!”.
Lán Nà Lừa thuộc xã Tân Trào, Tuyên Quang. Tháng 5-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pác Pó về đây để tiện cho việc chỉ đạo. Từ chân đèo De đi lên chỉ vài trăm mét là đến lán. Sơn thủy hữu tình mà lại “thuận đường tiến, tiện đường thoái” vì có sông Phó Đáy án ngữ, có núi Hồng che chở. Lán nằm dưới tán rừng tre, loại tre thân nhỏ, không có gai. Lán rộng hơn 10 m2 vuông, liếp tre ngăn đôi, một nửa là nơi Bác nghỉ, một nửa vừa để làm việc và tiếp khách.
Di tích lán Nà Lừa. Ảnh: sstravelviet |
Quả là sự trùng hợp lý thú khi ta gọi Lều cỏ Lênin, ai cũng biết là lều cỏ bên hồ Radơlíp; còn về chiến khu cách mạng Tân Trào, lán Nà Lừa được gọi với định danh thân thương là lán Bác Hồ. Có điều gì đó trong sợi dây liên kết tương đồng: Tương đồng sự gian nan thời kỳ trứng nước của cách mạng; tương đồng của sự bền bỉ, sự giản dị để dẫn đến sự tương đồng vĩ đại là lãnh đạo cách mạng thành công, đều là “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Cũng tại lán Nà Lừa, lúc lâm trọng bệnh tưởng không qua khỏi, Bác đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. May mắn có cụ lang người Tày xem mạch và lên đỉnh núi Hồng tìm thuốc chữa bệnh cho Bác. Còn mệt mỏi, Bác vẫn chỉ đạo Hội nghị toàn quốc của Đảng ngày 14 và 15-8-1945. Thành lập Ủy ban Khởi nghĩa và Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam ngày 15-8-1945. Tổ chức Quốc dân đại hội ngày 16-8-1945 tại đình Tân Trào. Lán Nà Lừa là trái tim, khối óc của cách mạng trong những ngày sôi động ấy.
Chính tại đình Tân Trào, Bác được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Giải phóng dân tộc. Thay mặt Ủy ban, Bác đã tuyên thệ: “Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!”.
Quốc dân đại hội diễn ra chỉ trong một ngày rưỡi (chiều ngày 16 và 17-8-1945) lại còn dành thời gian dự lễ xuất phát của Quân giải phóng từ gốc đa Tân Trào tiến về xuôi làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi trên cả nước trong vòng một tuần lễ. Cũng tương đồng như Cách mạng Tháng Mười Nga (lịch Nga là 24-10, dương lịch là 7-11-1917) đã làm nên “mười ngày rung chuyển thế giới”.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là thủy thủ đã kéo cờ phản chiến, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, ủng hộ chính quyền Xô viết trên hạm đội Hắc Hải.
Năm 1970, nhà thơ Tố Hữu viết hai bài thơ dài về hai lãnh tụ thiên tài. Bài “Lều cỏ Lênin” có đoạn:
Sự thật vốn không ưa trang trí
Đời thanh cao quen dáng đơn sơ
Lịch sử thường đi những lối không ngờ
Một lều cỏ làm mũi tên chỉ hướng.
Trong bài “Theo chân Bác”, nhà thơ cũng viết:
Nơi Bác ở: Sàn mây vách gió
Sáng nghe chim rừng gáy bên nhà.
Tròn 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, 72 năm Cách mạng Tháng Tám, bản trường ca đồng vọng từ Âu sang Á, lan truyền khắp năm châu khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng loài người. Từ lều cỏ Radơlíp đến lán Nà Lừa, từ Lênin đến Hồ Chí Minh là sự tiếp nối vinh quang của lịch sử nhân loại.
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc