Nguyễn Ái Quốc - Người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam
Ngay từ những ngày ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã nhận ra báo chí chính là vũ khí sắc bén của cách mạng. Do đó, Người đọc báo, viết báo, sáng lập báo, làm chủ nhiệm, chủ bút, trở thành một nhà báo cách mạng vĩ đại. Di sản báo chí của Hồ Chí Minh gắn liền với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và lý tưởng cộng sản của Người.
Nguyễn Ái Quốc đã tự bỏ tiền ra in bản “Yêu sách tám điểm” thành những tờ truyền đơn, đem phát trong những cuộc mít tinh ở Pháp, cho tất cả những người Việt kiều và những người Việt đi lính cho Pháp. Người gửi cả những truyền đơn về Đông Dương. Những hoạt động đó có tác dụng nhất định nhưng không cơ bản và lâu dài. Người bắt đầu suy nghĩ tới hoạt động của báo chí. Động cơ làm báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là để tuyên truyền cách mạng, tố cáo tội ác của thực dân Pháp.
Việc xác định mục đích viết báo để làm gì có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc đời làm báo của Nguyễn Ái Quốc. Người nhận rõ: “Tụi tư bản và đế quốc chủ nghĩa nó lấy tôn giáo và văn hóa làm dân ngu, lấy pháp luật buộc dân lại, lấy sức mạnh làm cho dân sợ, lấy phú quý làm cho dân tham. Nó làm cho dân nghe đến hai chứ cách mệnh thì sợ rùng mình. Vậy cách mệnh trước phải làm cho dân giác ngộ... phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu..., phải bày sách lược cho dân". Báo chí sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết những mục đích đó.
Bác Hồ và các nhà báo năm 1960. Ảnh tư liệu |
Nguyễn Ái Quốc vừa làm vừa học, tự học và học những nhà báo người Pháp có kinh nghiệm. Người kiên nhẫn bắt đầu từ những động tác nhỏ như viết hai bản, gửi cho tòa soạn báo một bản, giữ lại một bản, sau khi bài được đăng so sánh với bản gốc và sửa những chỗ viết sai. Những bài báo đầu tiên Người viết ngắn, chỉ năm, sáu dòng. Khi thấy bài viết đã bớt sai, được sự đồng ý của chủ bút, Người viết dài hơn một tí, độ bảy, tám dòng. Cứ như vậy, tùy theo chủ đề, Người có thể viết dài, viết ngắn. Người phải học viết rút ngắn, vì ngắn về dòng nhưng phải đảm bảo về nội dung và chất lượng bài báo. Chỉ một thời gian ngắn, Nguyễn Ái Quốc đã vào làng báo. Từ tháng 8-1919, Người đã có bài trên báo Nhân đạo và tiếp theo Người viết nhiều bài cho báo Dân chúng, Đời sống công nhân...
Hội liên hiệp thuộc địa ra đời (tháng 6-1921) tập hợp tất cả những người quê thuộc địa sống trên đất Pháp nhằm mục đích thảo luận và nghiên cứu những vấn đề chính trị và kinh tế của thuộc địa, đi tới sự nghiệp giải phóng bằng chính sự nỗ lực của bản thân những người thuộc địa. Hội quyết định dùng báo chí và ngôn luận để tranh thủ dư luận đồng tình ủng hộ những hoạt động của Hội và cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc thuộc địa chống áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Ái Quốc - đại biểu Đông Dương được bầu là thành viên của Ban Chấp hành. Sau khi Hội thành lập, Ban Chấp hành quyết định xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), báo ra số 1, ngày 1-4-1922. Trong thời kỳ đầu, từ số báo đầu cho đến số 14, Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, làm tất cả việc phát hành và đi bán báo. Sau khi rời Hội, Người đến Liên Xô, Trung Quốc nhưng vẫn gửi bài về đăng báo.
Trước khi về nước, Nguyễn Ái Quốc đã có một sự nghiệp báo chí đồ sộ, không chỉ ở số lượng các bài viết trên các báo chí nước ngoài, mà còn sáng lập và tham gia sáng lập nhiều tờ báo gây tiếng vang lớn. "Bản án chế độ thực dân Pháp" xuất bản lần đầu tiên tại Paris (1925) là một trong những tác phẩm báo chí nổi bật, gây tiếng vang trong thời kỳ này. Tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội được thành lập, sau đó Báo Thanh niên ra số 1 vào ngày 21-6-1925 - là tờ báo vô sản, cách mạng đầu tiên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức, sáng lập và trực tiếp chỉ đạo. Báo Thanh niên phát hành khoảng 200 tờ báo, chủ yếu bí mật đưa về nước, tuyên truyền cách mạng trong quần chúng nhân dân.
Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước. Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 5-1941). Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị “mỗi đảng bộ địa phương phải tìm cách ra báo chí tuyên truyền. Ít nhất là các ban tỉnh ủy phải có ban tuyên truyền chuyên môn xuất bản báo riêng ở trong tỉnh để tuyên truyền cho kịp thời”, Người quyết định cho xuất bản Báo Việt Nam độc lập (Việt Lập).
Bác Hồ đọc báo Nhân Dân ở chiến khu Việt Bắc năm 1951. Ảnh tư liệu |
Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm báo ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ, muốn đưa cách mạng tới thắng lợi cần phải tuyên truyền, giáo dục, tổ chức và lãnh đạo nhân dân, cùng với tuyên truyền miệng thì báo chí là công cụ tuyên truyền đọc tốt nhất. Nhưng, không phải cứ ra báo là hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, kinh nghiệm của Bác cho thấy, để ai cũng thích đọc báo và có hiệu quả thật sự thì tất cả mọi khâu từ việc xác định mục đích, nội dung, đối tượng, cách viết, cách làm, cách phát hành không thể rập khuôn máy móc mà phải luôn sáng tạo, phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh, từng lúc, từng nơi.
Cao Bằng lúc bấy giờ có đến 90% dân số mù chữ, Bác chủ trương: “Phong trào Việt Minh tới đâu, tổ chức học văn hóa tới đó. Người biết dạy người không biết, người biết nhiều dạy người biết ít”. Sự ra đời của Báo Việt Nam độc lập là một trong những hoạt động tích cực, có hiệu quả và ý nghĩa văn hóa, chính trị rộng lớn. Qua nội dung các bài viết, Người đã giáo dục cán bộ, nhân dân, các hội viên cứu quốc quyết tâm giành độc lập, tự do. Tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nói: “Đồng bào địa phương rất thích đọc báo, vì báo viết điều gì cũng thấm thía với họ. Đồng bào còn tự động tổ chức những tổ đọc báo và bí mật đưa tin tức cho báo. Đồng bào lại tìm mọi cách tuyên truyền cho lính dõng đọc báo để làm “binh vận"".
Có thể khẳng định, Báo Việt Nam độc lập có ý nghĩa “gieo mầm văn hóa” ở một số tỉnh địa đầu của Tổ quốc đêm trước cuộc Cách mạng Tháng Tám. Với Việt Nam độc lập, Nguyễn Ái Quốc đã chuyển phong cách làm báo lý luận, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, nhận thức về chế độ thực dân và phương pháp cách mạng có tính chuyên nghiệp của Báo Thanh niên sang một tờ báo hết sức giản dị cho quần chúng, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời cũng mở ra loại hình “báo của các tổ chức quần chúng” bên cạnh hệ thống báo chí cách mạng của các tổ chức Đảng. Báo Việt Nam độc lập là hình mẫu của báo chí cách mạng nói chung, báo chí địa phương nói riêng, trong điều kiện xuất bản bí mật, đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu có giá trị về lý luận và thực tiễn cho báo chí cách mạng ngày nay.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc