Multimedia Đọc Báo in

Muôn vàn tình thân yêu Bác Hồ dành cho bộ đội

09:46, 16/05/2021

“Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút,

                     đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào

Bắc - Nam sum họp

                xuân nào vui hơn”.

Cũng như các đơn vị trong toàn quân, mỗi mùa xuân đến, lực lượng vũ trang Quân khu 5 lại bồi hồi xúc động lắng nghe những bài thơ xuân của Bác Hồ kính yêu. Bài thơ mừng xuân 1969 của Người trong thơ như có nhạc, trong nhạc như có tiếng kèn đồng xung trận đã tạo động lực mạnh mẽ cho các thế hệ cha anh đi trước cống hiến máu xương giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất trước, “tiếp lửa” cho cán bộ, chiến sĩ hôm nay phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ.

Đối với bộ đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ở ngôi cao mà không xa, giữ trọng trách lớn mà luôn dành tình cảm thân thương, ấm áp cho mọi cán bộ, chiến sĩ, từ Tổng Tư lệnh Quân đội đến người lính binh nhì, binh nhất. Trong suốt 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước (1945 - 1969), mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ luôn dành nhiều tâm sức lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục quân đội từ việc lớn đến việc nhỏ. Sinh thời, Bác nhiều lần ra tận trận địa hỏi thăm bộ đội đang làm nhiệm vụ huấn luyện, trực chiến.

Trong hoàn cảnh nước nhà kháng chiến còn nhiều khó khăn, Bác luôn động viên nhân dân hăng hái lao động sản xuất để có nhiều lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội, để bộ đội có điều kiện ăn no, đánh thắng. Mong muốn bộ đội có cuộc sống no đủ, Bác huấn thị cho những người làm công tác hậu cần quân đội: “Phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ”. Đối với các cấp chỉ huy trong quân đội, Bác yêu cầu: “Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”. Đầu năm 1954, Bác làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Thời tiết giá rét nên một chiến sĩ đi tuần đêm nhiễm lạnh bị ho. Biết chuyện, Bác lấy chiếc áo trấn thủ của mình đưa cho người lính mặc để đỡ rét, nhưng anh không dám nhận. Bác ân cần nói: “Chú cứ giữ lấy mà mặc. Bác đã có áo khác”. Tháng 7-1967, thời tiết giữa hè nóng như thiêu như đốt, thương các chiến sĩ phòng không trực chiến trên nóc Hội trường Ba Đình không đủ nước uống, Bác đã dành số tiền tiết kiệm của mình mua thêm nước giải khát tặng bộ đội trong những ngày hè nắng nôi.

             Bác Hồ  đến thăm  các chiến sĩ  lực lượng  phòng không bảo vệ  thủ đô  năm 1966.  Ảnh tư liệu
Bác Hồ đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ thủ đô năm 1966. Ảnh tư liệu

Bác yêu quý mọi chiến sĩ. Đối với các chiến sĩ gái, chiến sĩ người dân tộc, Bác còn chăm sóc hơn vì đây là những người làm cách mạng khó khăn hơn chiến sĩ trai, chiến sĩ người Kinh nhiều. Anh hùng La Văn Cầu, dân tộc Tày mãi mãi không quên bữa cơm của Bác "đãi" với rau, thịt gà… những "sản phẩm" do chính Bác nuôi, trồng. Bác còn hỏi thăm, gửi quà cho mẹ anh, dặn cán bộ tạo mọi điều kiện để anh về thăm mẹ, giúp đỡ gia đình. Nhiều chiến sĩ người dân tộc thiểu số đã lấy họ Hồ cho mình như Hồ Vai, Hồ Can Lịch, Hồ Văn Bột... Nữ biệt động “thép” của thành phố Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ Trần Thị Kim Cúc bồi hồi nhớ lại: "Một buổi chiều giữa năm 1966, tôi đang điều trị ở Bệnh viện Việt - Xô, hạnh phúc dâng trào khi được Bác Hồ đến thăm. Biết tôi có hai vết thương rất nặng: Vết thương ở đầu do bọn địch đóng đinh to vào gây chấn thương não, để lại di chứng động kinh kéo dài, vết thương thứ hai ở vùng kín vẫn ra máu do mảnh vụn đèn neon địch tra tấn ta gắp ra chưa hết; mắt ngấn lệ, Bác hỏi: "Đau thế, đêm cháu ngủ có được không? Cháu ăn có biết ngon miệng không?". Rồi Bác căn dặn các thầy thuốc: "Phải theo dõi cả việc ăn uống của cháu Cúc, nhắc nhà bếp thường xuyên đổi món và chế biến thức ăn cho hợp khẩu vị. Ở miền trong thường thích món cá nấu chua lắm!". Tình cảm của Bác dành cho bộ đội còn thể hiện ở lời căn dặn của Người đối với Đảng, Nhà nước ta là sau khi chiến tranh kết thúc, cần phải quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và tạo công ăn việc làm cho bộ đội phục viên, chuyển ngành.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Thật xúc động biết bao trước khi từ giã cõi trần, trong số những thành phần xã hội được Bác Hồ nhắc đến và “để lại muôn vàn tình thân yêu” có cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Ngày nay, quân đội ta luôn nỗ lực phấn đấu xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang Quân khu 5 vững tin tiếp bước con đường, sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Bác đã lựa chọn. Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng, mà còn là tình cảm, tấm lòng son sắt của mỗi cán bộ, chiến sĩ dành cho Bác Hồ - người cha thân yêu của lực lượng vũ trang.

Đỗ Thị Ngọc Diệp


Ý kiến bạn đọc