Multimedia Đọc Báo in

Lễ Khắp thống của người Tày – Thái

00:06, 10/07/2010

Mỗi khi đến vùng đồng bào dân tộc Tày – Thái, gặp lễ Khắp thống người ta cho là điều may mắn, bởi bản sắc văn hóa dân tộc như được cô đúc trong hoạt động tín ngưỡng đặc biệt này. Người Tày – Thái quan niệm con người sau khi chết sẽ được chuyển sang một thế giới khác. Muốn được như thế, người nhà của người cần đã khuất phải thực hiện lễ Khắp thống.

Múa kiếm dân tộc Tày. (Ảnh: T.L)
Múa kiếm dân tộc Tày. (Ảnh: T.L)

Lễ Khắp thống được tiến hành trong khoảng thời gian làm ma cho người chết đến lúc giỗ đầu. Vật lễ gồm: mâm cúng và mâm thiết vị. Mâm cúng được phủ vải đỏ có đặt lá sớ ghi tên, năm sinh, năm mất, sau này có thêm ảnh của người đã khuất. Mâm cúng không bao giờ được thiếu bát nhang. Mâm thiết vị gồm bánh chưng, bánh dày và hoa quả. Trong lễ Khắp thống thầy cúng (ông then, bà then) giữ vai trò trung gian, giúp hai mường (mường người và mường trời) liên hệ với nhau. Khi hành lễ, thầy cúng ngồi ngay ngắn ở giữa mâm cúng và mâm thiết vị; người nhà cử một đại diện long trọng đọc lời chào (bài nai) nhờ cậy thầy cúng thực thi các nghi tín ngưỡng. Thầy cúng mở đàn lễ Khắp thống bằng cử chỉ nhón ăn 7 miếng cỗ chay (nếu người chết là nam) hoặc 9 miếng (nếu người chết là nữ). Sau đó thầy cúng hít một hơi thật dài như là để lấy hơi và tạo ra không khí quan trọng rồi cất giọng hát – bài cúng. Bài cúng thường rất dài, có vần điệu, lúc than vãn lâm ly, lúc nỉ non, sầu thảm. Bài cúng trong lễ Khắp thống được soạn rất công phu, được lưu truyền trong cộng đồng vì nhiều khi nó đạt tới trình độ  nghệ thuật cao, trở thành những tác phẩm văn hóa dân gian. Trong khi thầy cúng ngân nga bài cúng, con cháu người đã khuất ngồi ở phía sau như có ý túc trực, hồn cũng lâng lâng, bồng bềnh như vừa được đi theo một hành trình dài đầy gian nan, vất vả.

Trịnh Minh (st-bs)

 


Ý kiến bạn đọc