Người nghệ nhân đam mê chế tác nhạc cụ dân tộc
70 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, già Ama Loan (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc ít ỏi còn lại ở Dak Lak. Với già Ama Loan, không một loại nhạc cụ nào của người Êđê mà ông không làm được. Chỉ cần một số dụng cụ, vật liệu thô sơ như: quả bầu khô, ống nứa, tre có gai, sáp ong, một cái rìu nhỏ sắc… dưới bàn tay khéo léo tài hoa của Ama Loan, các nhạc cụ: đinh năm, đinh tăk, đinh tăk tà, đinh puoh, tù và, chuông gió… được hình thành và cho ra những âm thanh diệu kỳ, khiến người thưởng thức mê say.
Ama Loan chế tác nhạc cụ tại nhà. |
Ama Loan đã biết sử dụng và biết cách làm ra các loại nhạc cụ từ năm 13 tuổi, nên đến nay ông không thể nhớ mình đã chế tác được bao nhiêu nhạc cụ. Trong quá trình chế tác, Ama Loan chỉ dùng tay để đo vị trí khoan lỗ và khoảng cách dài, ngắn của ống nứa mà không cần đến thước. Ông cho biết, ống nứa phải lấy loại không quá già vì sẽ bị nặng tay, lấy non thì bị méo âm; quả bầu phải là giống bầu truyền thống do ông tự trồng để có độ to, độ già vừa đủ và được để khô tự nhiên. Vì đã quen tay, nên các nhạc cụ được ông làm rất nhanh. Mỗi ngày Ama Loan có thể chế tác được 1 chiếc đàn đinh năm, còn các loại nhạc cụ khác thì có thể làm được từ 2 cái trở lên; đặc biệt để làm đinh puoh (một loại nhạc cụ giống sáo tiêu) thì chỉ cần 5 phút ông có thể chế tác hoàn thành một chiếc có âm thanh chuẩn. Đối với tù và, việc chế tác có phần phức tạp hơn; bởi ngày nay không còn sừng trâu để làm nên ông lấy nguyên liệu là gỗ xoan, gỗ hương, gỗ tắc để chế tác. Những chiếc tù và được làm từ các loại gỗ này cũng có âm thanh không kém so với làm bằng sừng trâu. Các loại nhạc cụ của dân tộc do ông làm ra được nhiều người yêu thích đặt mua với giá từ 100.000 - 500.000 đồng, tùy theo từng loại. Hiện trong nhà ông có đủ các loại nhạc cụ của người Êđê, vừa để giới thiệu cho du khách đến tham quan và cũng là để giữ gìn vốn quý mà cha ông để lại.
Giới thiệu về âm thanh từ những nhạc cụ của cha ông, già Ama Loan vui vẻ cho biết: Đinh năm có âm thanh trầm lắng nhưng vang xa nên thường thổi ở đám ma, ở ngoài không gian rộng lớn như ở trên rẫy, rừng… chứ ít khi thổi ở trong nhà. Đinh tắk, đinh tặc tà thì thường thổi vào buổi sáng sớm để đánh thức bà con trong buôn dậy đi làm vì tiếng của nó rất rộn ràng thôi thúc. Đinh puoh là loại nhạc cụ Ama Loan yêu thích nhất vì mỗi lần thổi nó ông như được tâm sự với chính mình, âm thanh trầm lắng của đinh puoh như lời tự sự vỗ về trái tim…
Chế tác, sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc và được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc cách đây hơn 10 năm, nhưng Ama Loan rất buồn khi ông có 7 người con thì chẳng ai biết chế tác một loại nhạc cụ nào. Duy nhất chỉ có người con trai thứ 2 là biết thổi đinh năm nhưng theo lời Ama Loan thì “cũng chỉ thổi cho vui, chứ không thổi bằng niềm đam mê như mình; bởi nó còn khó khăn lắm, phải đi làm thuê để lo cho cuộc sống…”. Không chỉ sử dụng và làm ra các sản phẩm nhạc cụ dân tộc Ama Loan còn có khả năng thẩm âm rất chuẩn. Vì điều này mà Bảo tàng Dak Lak thường xuyên mời ông đến để chỉnh lại âm thanh cho dàn cồng chiêng và các nhạc cụ bị hư hỏng. Bên cạnh đó ông cũng luôn sẵn lòng giải đáp những thắc mắc của mọi người về các nhạc cụ dân gian, hướng dẫn cách chế tác nhạc cụ, cách chơi... Và mong muốn của người nghệ nhân già này là có thể truyền dạy cách thức chế tác nhạc cụ của dân tộc mình cho thế hệ trẻ để vốn quý văn hóa của cha ông có thể được lưu giữ, kế thừa…
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc