Con đường nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu cà phê
Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam và mỗi năm mang về cho đất nước hàng tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng so với giá trị vốn có của sản phẩm cà phê. Để nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê, nhất là cà phê xuất khẩu còn khá nhiều việc cần làm, từ sản xuất đến chế biến xuất khẩu.…
* Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên: Phải cùng nhau vào cuộc để thay đổi hình ảnh cà phê Việt Nam
Trong năm qua, Việt Nam vươn lên đứng ở vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê trên thế giới, nhưng giá trị thu lại chưa tương xứng với vị thế, giá trị thật của hạt cà phê. Theo tôi, về chủ quan chúng ta chưa có một chiến lược, hoặc gần hơn là một chiến dịch truyền thông, tuyên truyền cho người dân về giá trị kinh tế, văn hóa, môi trường...mà cà phê mang lại. Nhận thức của người nông dân chỉ dừng lại ở việc canh tác, thu hái rồi bán hạt thô. Còn doanh nghiệp (DN) cũng chưa ý thức về cà phê chế biến, còn kém về công nghệ đóng gói, trình bày; chưa có ý thức về làm thương hiệu chung cho cà phê Việt Nam mà chỉ dừng ở cạnh tranh và lợi ích nhỏ của từng DN. Nhà nước cũng thiếu những chính sách, cơ chế hỗ trợ truyền thông, tuyên truyền. Về nguyên nhân khách quan, với sản lượng tới hơn 90% là bán thô cho các tập đoàn thu mua nước ngoài, họ muốn thu được lợi nhuận cao nhất với công thức: Một mặt áp đặt giá và các tiêu chuẩn thu mua theo yêu cầu của họ, mặt khác nhập khẩu sang một nước thứ ba, làm mất đi chỉ dấu địa lý của Việt Nam, đồng thời áp đặt rằng chất lượng cà phê của ta thấp để vừa dìm giá, vừa thu lợi cao.
Nâng cao giá trị của sản phẩm cà phê là vấn đề của nhiều bên, từ Chính phủ cho tới DN, người trồng cà phê. Tuy nhiên, từ góc độ một DN tiên phong trong ngành, chúng tôi nghĩ rằng các DN Việt Nam cần đặt lợi ích chung của ngành, của hình ảnh Việt Nam lên trước hết. Chúng ta cần ngồi lại với nhau cùng với các cơ quan chuyên trách của Việt Nam cũng như các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế để cùng nhau đặt ra chuẩn mực mới cho cà phê Việt Nam. Bản thân chúng tôi cũng đã đề đạt lên Chính phủ, Nhà nước nhiều dự án, đề xuất về phát triển cà phê bền vững chất lượng cao với mô hình công-nông nghiệp tích hợp liên hoàn, bảo đảm nâng cao chất lượng của cà phê. Còn từ kinh nghiệm nước ngoài, thì thương hiệu một ngành hay một sản phẩm đặc thù của quốc gia thường được gây dựng từ những thương hiệu tiên phong và có vị thế số 1 của ngành có lợi thế của quốc gia đó. Chúng ta nên ủng hộ và hậu thuẫn cho các DN tiên phong đã qua thử thách và có vị thế để đi ra toàn cầu. Đây chính là cách nhanh nhất giúp thay đổi hình ảnh thương hiệu quốc gia, qua đó tăng giá trị của sản phẩm xuất khẩu.
* Ông Hồ Sỹ Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An: Nâng cao tỷ lệ chế biến ướt
Một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê xuất khẩu là phải nâng tỷ lệ cà phê chế biến ướt. Thực tế cho thấy, sản phẩm cà phê chế biến ướt luôn bán được giá cao hơn so với chế biến khô đến vài trăm USD/tấn; hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này cũng rất lớn, hiện nay cung vẫn chưa đủ cầu. Thế nhưng, tỷ lệ cà phê được chế biến ướt của chúng ta rất thấp (tại Dak Lak chưa đến 10% sản lượng) chỉ vì quy trình thu hái chưa được thực hiện nghiêm túc, tình trạng hái cà phê khi còn xanh vẫn diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, cà phê xanh, non không thể dùng để chế biến ướt nên chúng ta đành chế biến khô, chấp nhận giá bán thấp. Vì vậy, để nâng cao tỷ lệ cà phê chế biến ướt, vấn đề quan trọng là phải có nguyên liệu đạt yêu cầu. Muốn làm được điều này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các DN đầu tư mua sắm thiết bị chế biến ướt; quy hoạch vùng nguyên liệu và khuyến khích sản xuất cà phê có chứng nhận, kiểm tra; tăng cường các biện pháp an ninh nhằm hạn chế tình trạng mất trộm, giúp người trồng cà phê yên tâm đợi cà phê chín đạt yêu cầu mới thu hái; tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tranh mua, tranh bán... Cùng với Nhà nước, các tổ chức hiệp hội phải có biện pháp phát huy tốt vai trò trung gian trong việc tập hợp, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các hội viên; DN cũng phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tạo lập uy tín trên thị trường để có thể tìm kiếm và bán sản phẩm trực tiếp cho nhà rang xay.
* Ông Nguyễn Xuân Thái - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi: Cách tốt nhất là tổ chức lại sản xuất cho phù hợp
Chúng ta vẫn nghe nói nhiều về sản xuất cà phê bền vững, chất lượng cao… nhưng trong thực tế, chưa nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất được cà phê chất lượng cao đúng nghĩa của nó. Cà phê chất lượng cao phải là sản phẩm được sản xuất theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hái tới chế biến. Loại cà phê nhân mua từ nhiều nguồn trôi nổi khác nhau, sau đó dùng máy đánh bóng, phân loại thì không thể gọi là cà phê chất lượng cao được. Thực tế cho thấy, cà phê Việt Nam bị các đối tác giảm giá, thậm chí là trả lại hàng chủ yếu rơi vào số cà phê sản xuất theo kiểu này; còn cà phê được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, đặc biệt là cà phê chế biến ướt luôn được khách bao tiêu với giá bán cao hơn. Chất lượng cà phê không cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thấp còn có nguyên nhân là tập quán sản xuất thu hoạch nhiều quả xanh và thiếu sân phơi. Việc thu hoạch quả xanh không những làm giảm chất lượng mà còn gây thất thu nghiêm trọng về sản lượng mà thông thường nông dân chưa đánh giá đầy đủ. Thiếu sân phơi, nông dân phải lưu giữ quả trong bao sau khi thu hái từ 5-7 ngày để rút ngắn thời gian phơi mà không biết rằng việc này sẽ là tác nhân chính thúc đẩy quá trình phát sinh nấm mốc, chuyển hóa màu sắc của nhân, làm giảm chất lượng mùi vị một cách đáng kể. Nói điều này để thấy, muốn nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê xuất khẩu, điều quan trọng hơn hết là phải tổ chức lại việc sản xuất theo hướng có đơn vị hỗ trợ, giám sát trong suốt quá trình sản xuất. Với đặc trưng của sản xuất cà phê Việt Nam nói chung, Dak Lak nói riêng là diện tích cà phê đều do người nông dân trực tiếp quản lý, sản xuất, nên cần có sự liên kết, nông dân liên kết với doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến cà phê; nông dân liên kết với nông dân thành lập các hợp tác xã, tổ sản xuất theo từng cụm… Có như vậy, nông dân sẽ được các doanh nghiệp hỗ trợ trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê xuất khẩu.
* Ông Phạm Ngọc Bằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dak Man Việt Nam: Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu tốt
Muốn nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê xuất khẩu, trước tiên chúng ta phải có sản phẩm chất lượng cao, thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng. Để làm được điều này, một mình người nông dân hoặc DN hoặc Nhà nước đều không làm được, mà cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Trong đó quan trọng nhất là phối hợp đẩy nhanh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cũng như công nghệ sơ chế ban đầu cho nông dân để họ thực sự là những “công nhân nông nghiệp”. Theo đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực cà phê sẽ đứng ra hỗ trợ nông dân thành lập, điều hành các tổ chức sản xuất và kinh doanh cà phê, như: hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm nông hộ, liên minh sản xuất… Việc tổ chức sản xuất theo mô hình này sẽ đem lại nhiều lợi ích, đồng thời khắc phục có hiệu quả những tồn tại trong sản xuất cà phê hiện nay. Trong đó dễ thấy nhất là DN có thể dễ dàng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến người nông dân để họ áp dụng vào sản xuất. Một điểm đáng quan tâm nữa là khi sản xuất được tổ chức theo mô hình này, những người sản xuất còn có thêm cơ hội nhận tài trợ từ Nhà nước cũng như các tổ chức khác.
Việc triển khai sản xuất theo mô hình này hiện đang được khá nhiều DN trên địa bàn thực hiện, nhưng chưa mang lại kết quả cao do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài việc chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm giữa nông dân với DN còn có nguyên nhân DN chưa nhận được sự khuyến khích chính đáng từ Nhà nước, như xem xét, xây dựng chính sách khen thưởng, động viên kịp thời các DN có nỗ lực trong xây dựng vùng nguyên liệu tốt.
* Ông Lê Tiến Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak: Chú trọng quy hoạch vùng nguyên liệu
Để nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê xuất khẩu, chúng ta còn khá nhiều việc phải làm, liên quan đến cả người nông dân trực tiếp trồng cà phê tới các DN chế biến, xuất khẩu và chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, có 2 vấn đề quan trọng cần quan tâm là chú trọng quy hoạch vùng nguyên liệu và nâng cao trình độ xuất khẩu. Đối với việc quy hoạch vùng nguyên liệu, DN và người nông dân kết hợp, liên kết với nhau để xây dựng các vùng sản xuất cà phê theo hướng bền vững có chứng nhận, kiểm tra (UTZ Certified, 4C…), đã được người tiêu dùng quốc tế công nhận trên thị trường cà phê. Hiện tại, người tiêu dùng rất chú trọng lựa chọn sản phẩm này nên giá bán luôn cao hơn so với cà phê không có chứng nhận, kiểm tra. Làm được điều này, giá trị cà phê xuất khẩu sẽ tăng lên đáng kể, cũng đồng nghĩa là thu nhập của người làm cà phê được nâng lên. Vấn đề cần quan tâm, đó là đặc thù sản xuất cà phê của chúng ta có quy mô nhỏ lẻ, việc quy hoạch thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có tổ chức, có quy định ràng buộc nhau một cách chặt chẽ là không dễ, rất cần sự nỗ lực của DN lẫn Nhà nước. Cùng với quy hoạch vùng nguyên liệu, các DN xuất khẩu cà phê cũng phải tự nâng cao trình độ xuất khẩu của chính mình, phấn đấu đạt được 4 cái tốt: bạn hàng tốt, thị trường tốt, uy tín tốt, sản phẩm tốt. 4 tốt này hỗ trợ cho nhau rất nhiều, một khi đã có sản phẩm tốt, có uy tín trên thị trường thì nhà xuất khẩu dễ dàng tìm kiếm được thị trường, bạn hàng tốt. Và, một khi đã có bạn hàng, thị trường tốt, nhà xuất khẩu sẽ bán được sản phẩm đến người mua cuối cùng, giảm đáng kể tình trạng mua bán qua trung gian nên chắc chắn sẽ thu được giá tốt.
Lê Ngọc (ghi)
Ý kiến bạn đọc