Multimedia Đọc Báo in

Làm gì để sản xuất cà phê bền vững?

09:25, 09/03/2013

Quy mô nhỏ, manh mún, diện tích tăng nhanh không theo quy hoạch, chất lượng vườn cây thấp, còn thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ cho khâu thu hoạch và bảo quản…, đây là những rào cản khiến sản xuất cà phê Dak Lak thiếu bền vững. Đã có nhiều giải pháp được ngành nông nghiệp triển khai thực hiện với nhiều mô hình sản xuất bền vững tác động tích cực đến nhận thức của người trồng cà phê. Tuy nhiên, cần có một lộ trình dài hơn, với sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà nước và doanh nghiệp để cà phê Dak Lak ngày càng phát triển bền vững.

Thu hoạch chín là khâu quan trọng trong nâng cấp chuỗi giá trị cho cà phê. Ảnh: Lê Ngọc
Thu hoạch chín là khâu quan trọng trong nâng cấp chuỗi giá trị cho cà phê. Ảnh: Lê Ngọc

Cần có quy hoạch đủ tầm

Những năm gần đây, sản xuất cà phê ở Dak Lak đang phải đối mặt với việc tăng đột biến về diện tích, chỉ tính từ năm 2004 đến nay đã tăng thêm trên 40.000 ha. Hiện diện tích cà phê toàn tỉnh là 200.161 ha, trong khi theo phê duyệt quy hoạch của Chính phủ thì diện tích cà phê của Dak Lak chỉ 170.000 ha. Diện tích tăng quá “nóng” ngay cả ở những vùng đất không thích hợp đã kéo theo tình trạng thiếu nước tưới, giống cây trồng không được bảo đảm; thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng về sân phơi, nhà kho, cơ sở chế biến, thu hoạch...nên hiệu quả kinh tế chưa cao, chất lượng sản phẩm chưa được nâng lên xứng tầm. Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy Dak Lak đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển cà phê bền vững giai đoạn 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, diện tích sẽ giữ ổn định ở 150.000 ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ; 50% diện tích có cây che bóng và chỉ phát triển ở những vùng chủ động được nguồn nước, thuận tiện cho việc thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh. Đồng thời, mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho khoảng 8.000 hộ nông dân/năm; triển khai áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 cho 60% sản lượng cà phê xuất khẩu trở lên; tham gia phổ biến bộ quy tắc chung cho cà phê như 4C, UTZ… Các chính sách hỗ trợ đi kèm là: đào tạo, tập huấn cho nông dân, xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến; kinh phí áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN 4193:2005; xây dựng trạm giống, vườn nhân chồi đáp ứng cho nhu cầu tái canh nâng cấp chất lượng vườn cà phê; đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi… Nghị quyết này đi vào cuộc sống cũng đang góp phần thay đổi dần diện mạo sản xuất cà phê trong tỉnh, chính quyền cơ sở cũng quan tâm hơn đến việc đầu tư, xây dựng các mô hình sản xuất cà phê bền vững, tái canh cà phê tại địa phương. Tuy nhiên, để thay đổi một nền sản xuất vốn có từ lâu đời là một việc làm vô cùng khó, đòi hỏi thời gian, vật lực và trí lực. Theo TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, muốn có một nền sản xuất ổn định, Dak Lak phải sớm có quy hoạch phát triển cây cà phê để từ đó có một lộ trình cắt giảm diện tích, đầu tư đồng bộ và đưa ra các giải pháp phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của cây cà phê.

Nâng cấp chuỗi giá trị

Thực tế cho thấy, mặc dù là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng hiệu quả sản xuất của cà phê Dak Lak chưa cao, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới. Nguyên nhân chính đó là do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, trong số hơn 180.000 hộ trồng cà phê thì có khoảng 35% số hộ có quy mô dưới 0,5 ha; từ 0,5 – 1 ha có 34% số hộ; từ 1 ha đến dưới 2 ha có gần 24% số hộ; còn lại từ 2 ha trở lên chỉ có 7%. Theo đó,  mỗi nông hộ quản lý vườn cà phê theo cách riêng của mình nên sản lượng vườn cây thường không ổn định, tỷ lệ nhiễm bệnh cao, kích thước quả không đồng đều, chín không tập trung gây khó khăn cho việc thu hoạch và chế biến. Về lâu dài, phương pháp sản xuất này là một trở ngại lớn trong việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn trong sản xuất cà phê bền vững. Do vậy, để nâng cấp chuỗi giá trị cà phê (từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản đến thu mua), trước hết phải tổ chức lại sản xuất, và điều trước tiên cần làm là xây dựng các mô hình liên kết giữa các nhà nông, Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học, trong đó chú trọng đến việc khuyến khích nông dân tham gia vào nhóm cùng sở thích, câu lạc bộ, tổ hợp tác, hay HTX kiểu mới. Theo ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT, nếu ở các tỉnh đồng bằng xây dựng cánh đồng mẫu lớn về lúa thì ở Dak Lak nên xây dựng cánh đồng mẫu lớn về cà phê, điều này không những giúp nông dân nhận được nhiều lợi ích khi tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất (được áp dụng các bộ quy tắc sản xuất cà phê 4C, UTZ, RFA…; cách tiếp nhận, phân tích thông tin về giá cà phê và nhận được giá trị tăng thêm từ việc bán cà phê khi sản phẩm có chứng nhận…) mà còn giúp Dak Lak quy hoạch lại diện tích cà phê trong quá trình phát triển. Một vấn đề nữa trong nâng cấp chuỗi giá trị là cải thiện chuỗi cung ứng cho gọn nhẹ hơn để người nông dân có thể bán trực tiếp cho đại lý, công ty thu mua hoặc công ty thu mua xuất khẩu thông qua hợp đồng giữa các nhóm nông dân với các nhà thu mua xuất khẩu mà không phải qua các khâu trung gian nhằm giảm được sự chênh lệch giá từ công ty thu mua đến nông dân… Có như vậy mới khuyến khích nông dân ổn định sản xuất, chăm lo đầu tư cho vườn cây. Và điều quan trọng hơn trong chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng cà phê là Nhà nước cần có sự điều phối, đầu tư thích đáng để tổ chức lại sản xuất và tạo mối liên kết thì cà phê ở Dak Lak sẽ dần đi vào lộ trình phát triển bền vững.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc