Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột góp phần hướng đến sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam

09:55, 08/03/2013

Được sự đồng ý của Chính phủ cho phép tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột định kỳ 2 năm một lần và sau 3 lần tổ chức thành công Lễ hội (năm 2005, 2008, 2011), nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975 – 10-3-2013), UBND tỉnh Dak Lak chủ trì, phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV với chủ đề: “Cà phê Buôn Ma Thuột liên kết, phát triển”. Lễ hội có quy mô lớn, nhằm tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Buôn Ma Thuột - Dak Lak nói riêng, khẳng định vị trí quan trọng của cà phê Việt Nam trong ngành cà phê thế giới.

Trong những năm qua, cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhiều nước và chiếm một tỷ lệ khá lớn trong cán cân thương mại thế giới.  Việt Nam là nước có sản lượng cà phê xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, mỗi năm trên 1 triệu tấn, đến với gần 100 quốc gia trên thế giới. Riêng năm 2012 vừa qua, cà phê Việt Nam xuất khẩu trên 1,6 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,5 tỷ USD và lần đầu tiên vượt Brazil đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê.

Đạt được kết quả to lớn trên có sự đóng góp lớn của tỉnh Dak Lak. Với hơn 300 ngàn ha đất đỏ Bazan và khí hậu phù hợp là điều kiện thuận lợi cho cây cà phê phát triển. Hiện nay, cà phê là sản phẩm chủ lực của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt trên 600 triệu USD, chiếm trên 60% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sản phẩm cà phê Dak Lak xuất khẩu đến gần 80 nước và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục. Trong những năm tiếp theo, cà phê vẫn là một ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Không chỉ là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước mà khi nói đến cà phê thì thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” trở nên quen thuộc, nổi tiếng và Buôn Ma Thuột, được coi là “thủ phủ cà phê” của cả nước.

Để phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả về kinh tế của ngành cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Dak Lak nói riêng, đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu cho thương hiệu mang tên gọi xuất xứ hàng hóa “Cà phê Buôn Ma Thuột”, những năm qua, tỉnh Dak Lak đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, hấp dẫn …, trong đó nổi bật nhất là 3 lần tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột (năm 2005, 2008, 2011).

Tiếp nối thành công rực rỡ của những lần tổ chức Lễ hội trước, được sự đồng ý của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Dak Lak chủ trì với các Bộ, ban, ngành liên quan và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV năm 2013, với chủ đề: “Cà phê Buôn Ma Thuột liên kết, phát triển”. Mục đích của việc tổ chức Lễ hội lần này, đó là: tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 5-5-2008 của Tỉnh ủy về phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới; quảng bá sâu rộng về Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột; nâng cao giá trị xuất khẩu, khẳng định thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột; củng cố mặt hàng cà phê tiếp tục là 1 trong 5 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu quốc gia và khẳng định vị trí quan trọng của cà phê Việt Nam trong ngành cà phê thế giới; cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch; gắn kết sự phát triển cà phê bền vững, góp phần phát triển kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, thông qua Lễ hội, xây dựng văn hóa cà phê riêng của người Việt Nam và là nơi giao lưu, chia sẻ, hợp tác giữa những người trực tiếp sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng cà phê trong và ngoài nước; quảng bá hình ảnh về Buôn Ma Thuột – Dak Lak, vùng đất huyền thoại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc…

Với những mục tiêu trên, việc Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Dak Lak chủ trì tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV – năm 2013 có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với ngành cà phê Dak Lak mà cả ngành cà phê Việt Nam. Từ những kinh nghiệm qua các lần tổ chức trước, cùng với sự năng động, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên, chúng ta tin tưởng rằng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV – năm 2013 sẽ tổ chức thành công tốt đẹp.

Bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, để không ngừng khẳng định và phát triển thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung, đòi hỏi chúng ta phải luôn sáng tạo, có chiến lược phát triển bền vững và vươn tới tầm cao mới. Trong thời gian tới, Dak Lak sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá, tôn vinh và khẳng định giá trị cà phê, nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển cà phê bền vững, đồng thời đề nghị các Bộ, ban, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với xu thế phát triển cà phê bền vững; quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để ngành cà phê Việt Nam nói chung, cà phê Buôn Ma Thuột – Dak Lak nói riêng phát triển toàn diện, vững chắc.

 Hoàng Trọng Hải

 Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.