Multimedia Đọc Báo in

"Người Vân Kiều tấm lòng trong trắng"

16:00, 26/02/2015

Đeo đẳng mãi một câu hát của nhạc sĩ Phương Nam “Người Vân Kiều tấm lòng trong trắng” đã thôi thúc tôi tìm về Ea Hiu (huyện Krông Pak) để biết, hiểu hơn về tộc người Bru - Vân Kiều (còn gọi là Vân Kiều), những “đồng bào” thân thuộc mỗi khi về thăm quê chồng ở miền tây Quảng Trị tôi vẫn hay trò chuyện với những tình cảm thân thương…

Có một cuộc di cư lịch sử

Với Pả Thu (cha thằng Thu) 42 năm tha hương thật dài nhưng cũng chỉ là một cái nháy mắt. Năm 1972, cùng với cha mẹ, anh em, cùng với hàng nghìn đồng bào của mình đặt chân đến vùng đất xa xôi, lạ lẫm này là một điều gì đó thật hoang tưởng. Trong suy nghĩ chất phác của chàng thanh niên mới ngoài 20 tuổi, không nơi đâu ngoài quê hương điệp trùng núi đồi và gập ghềnh sông suối, đó là thung lũ Ta Đỗ, Làng Cát mịt mù khói sương, là đỉnh Động Tri vút cao đến lưng chừng trời xanh, quanh năm mây phủ; hay đó là những lối mòn quanh co khúc khuỷu qua các bản Húc Nghì, Tà Rùng, Pa Tầng,Tà Cơn… vẫn còn in đậm dấu chân theo những mùa yêu đương, thương nhớ… Vậy mà đã hơn 40 năm kể từ ngày rời cái bản Tà Cơn (xã Hướng An, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) thân thương nép mình dưới chân rặng Voi Mẹp, bên thượng nguồn dòng Rào Quán hung dữ để đến với vùng đất cao nguyên mênh mông Dak Lak này - Pả Thu - một trong những cao niên, có uy tín của người Vân Kiều ở xã Ea Hiu (huyện Krông Pak) nhớ lại cái thời chiến tranh loạn ly, ác liệt. Trước sức tấn công như vũ bão của bộ đội giải phóng, một bộ phận đồng bào Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị bị chính quyền quận Hướng Hóa ép buộc rời bỏ bản làng, nương rẫy để “di tản” về xuôi, sống chật chội trong những trại tạm cư ở cả hai tỉnh Quảng Trị  và Thừa Thiên - Huế.

Cũng chính trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, với lá bài “nạn nhân chiến cuộc”, chính quyền Sài Gòn đã tổ chức di cư một bộ phận đồng bào Vân Kiều vào Dak Lak. Theo một tài liệu của Hội đồng Phát triển sắc tộc (Quốc hội chế độ Sài Gòn cũ),  từ ngày 19 đến 25-4-1972, quân đội Sài Gòn đã dùng trực thăng chuyển hơn 800 hộ, với gần 2.600 nhân khẩu từ Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) vào Dak Lak. Có thể nói đây là cuộc di dân lớn nhất và có một không hai trong lịch sử  các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Những người Vân Kiều “bay” cả ngàn cây số từ Phú Bài (Huế) vào phi trường Phụng Dực (sân bay Hòa Bình hiện nay) được đưa  đến buôn Jăt (quận Phước An). Cùng với đồng bào mình, với gia đình, một nỗi buồn trào dâng, ngập tràn tâm hồn chàng trai trẻ. Pả Thu tâm sự: “Cho đến trước ngày đất nước thống nhất (30-4-1975) con đường trở lại quê hương thật xa xôi, diệu vợi…”.

Pả Thu tự hào giới thiệu về bộ sưu tập các vật dụng làm bằng mây tre đan của đồng bào mình.
Pả Thu tự hào giới thiệu về bộ sưu tập các vật dụng làm bằng mây tre đan của đồng bào mình.

Trong gian khó vẫn lớn lên như khóm măng rừng

Đã từng là bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã Ea Hiu, Ay Khôi bây giờ đã về hưu, là người uy tín trong cộng đồng Vân Kiều ở Dak Lak. Những tháng ngày còn là cán bộ, không lúc nào Ay Khôi thôi nghĩ về việc làng, việc xã, trăn trở về đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con Vân Kiều mình. “Năm xưa khi mới đến Tây Nguyên bà con đem theo tập quán “phát-đốt-chọc-tỉa”, cũng là đất đỏ bazan nhưng “mênh mông chi xứ”, độ phì nhiêu thì gấp nhiều lần vùng cà phê Khe Sanh, Tà Cơn, thời chiến tranh chỉ cốt đủ ăn, sống qua ngày nên chỉ trồng lúa nương, trồng thêm bắp, thêm vài loại hoa màu, nuôi con gà con heo, thả rông trong vườn… Thời “bao cấp” khó khăn chung, với đức tính quen chịu đựng thử thách lại cần cù nhẫn nại nên bà con đã vượt qua được những thời điểm gian khổ nhất. Sau đổi mới cùng với cả nước, đời sống của đồng bào Vân Kiểu cũng đã có những đổi thay sâu sắc” - Ay Khôi vừa tung bó lá sắn cho lũ cá đang quẫy tung tóe trên mặt hồ, vừa chia sẻ.

Vợ chồng Ay Khôi vẫn cất giữ những đồng bạc trắng như một thứ tài sản quý.
Vợ chồng Ay Khôi vẫn cất giữ những đồng bạc trắng như một thứ tài sản quý.

Đến thôn Ra Lu (Ra Lu, địa danh một bản Vân Kiều bên hữu ngạn dòng Sê Băng Hiêng - con sông duy nhất ở Quảng Trị hướng về phía Tây đổ vào dòng mẹ Mê Kông) Niang Biếch-cô cán bộ phụ trách Văn hóa xã Ea Hiu giới thiệu với tôi về Pả Thăng (cha thằng Thăng), một lão nông sản xuất giỏi. Biếch mách: “Nghe bà con nói từ thời trai trẻ Pả Thăng đã là một nông dân siêng năng cần cù, luôn nỗ lực học hỏi để ứng dụng cái hay, cái mới vào sản xuất. Bấy giờ người thưa đất rộng, trong khi bà con “một nắng hai sương” với cây lúa thì ông đã “đi trước đón đầu” mày mò thử nghiệm trồng cà phê. Tích lũy kinh nghiệm thực tế, học hỏi thêm ở sách báo về kỹ thuật thâm canh, vườn cà phê của Pả Thăng năm nào cũng cho năng suất cao”. Chí thú làm ăn, chăm lo nuôi dạy con cái, các con  của Pả Thăng giờ đã có gia đình, đời sống kinh tế ổn định. “Bây giờ mình nghỉ ngơi”, Pả Thăng mãn nguyện nói.

Thanh Khen, Chủ tịch UBND xã Ea Hiu cho biết: “Không quá ồn ào náo nhiệt hay xô bồ như chốn thị tứ, ở vùng đất Ea Hiu hiền hòa này người Vân Kiều thật sự có một cuộc sống ổn định, no ấm và hạnh phúc. Cùng với Pả Thăng, Pả Nhưn, Pả Moal (thôn Ta Đỗ), Pả Síp (thôn Mò Ó)… là những người nỗ lực hết mình để có cuộc sống tốt đẹp hơn trên vùng quê mới và các ông đã thành công”. Với hơn 40 năm gắn bó, người Vân Kiều mặc nhiên coi đây là quê hương thứ hai, tình đất tình người hòa quyện vào nhau. Mới đây dòng nước trong lành từ công trình thủy lợi Krông Buk cũng đã về với Ea Hiu tưới mát cho hơn 500 ha đất lúa nước hai vụ, hơn 400 ha cà phê kinh doanh, hàng trăm ha đất trồng hoa màu; dòng nước đem thêm cơ hội để đa dạng cơ cấu ngành nghề nông nghiệp, mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản…bà con rất phấn khởi, tin tưởng hơn vào tương lai.

Nỗ lực gìn giữ bản sắc

Lần đầu đi trên tuyến đường liên thôn từ Mò Ó qua  Ta Đỗ, Tà Cơn đến Ta Lu, A Roàng… những ngôi nhà sàn truyền thống với nét kiến trúc đặc trưng Vân Kiều thấp thoáng trong những vườn cà phê xanh ngát, núp mình dưới bóng sầu riêng, chôm chôm… tôi tò mò với những địa danh thôn, xóm lạ lẫm. Ay Khôi giải thích: nhớ quê, bà con đem những tên bản, tên làng ngoài kia vào theo, thậm chí nhiều người còn dùng tên làng, tên bản ngoài kia đặt làm họ cho con, hòng nhắc nhở con cháu không quên nguồn cội, tổ tiên.  Điều lo lắng nhất của nhiều người Vân Kiều ở Ea Hiu là sự mai một, lạt phai dần những phong tục tập quán, nhất là những mỹ tục. Sa Na An, một trí thức Vân Kiều ưu tú đã rất có lý khi anh chọn đề tài “Những tác động của đời sống hiện đại đối với tục cưới hỏi của người Vân Kiều ở Dak Lak” để làm luận văn Thạc sĩ tại Đại học Tổng hợp Hawai (Hoa Kỳ). Anh chia sẻ: khác với ở Quảng Trị, cộng đồng người Vân Kiều khá đông, môi trường văn hóa thuần nhất, có tính truyền thống cao lại được bảo vệ bằng rất nhiều dự án bảo tồn, người Vân Kiều ở Ea Hiu đang đơn độc đối diện với nhiều thách thức của đời sống hiện đại, với  môi trường văn hóa đa dạng và với cả sự quay lưng của chính mình. Anh dẫn chứng trang phục truyền thống như  Xấn, Ada, khăn Đam… bằng chất liệu thổ cẩm đã trở nên cực kỳ hiếm trong đời sống hằng ngày. Các mẹ, các chị muốn có để diện trong những dịp cưới hỏi, lễ hội… phải chờ dịp về thăm quê để mua hoặc gửi họ hàng mua tận chợ Khe Sanh, Hướng Hóa (Quảng Trị); những nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt, mộc… ngày càng ít người biết…Tâm huyết với văn hóa truyền thống, mới đây Sa Na An chạy vạy khắp nơi mới mở được một lớp dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên. Để lớp học thành công anh đã phải bỏ cả tiền lương để chi phí.

Đồng cảm, cùng chí hướng với Sa Na An còn có cô cán bộ văn hóa Niang Biếch, Ayua Bru, Pả Thu, Hồ Ngọc Chiểu (còn gọi là Pả Vinh - nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ). Không có mây, tre để đan lát, mỗi lần có dịp về thăm quê, Pả Thu lại sưu tầm tất cả các đồ tạo tác như a chói, a đư, típ… Bây giờ, Pả Thu đã có một bộ sưu tập đồ mây tre đan truyền thống tương đối đầy đủ. Còn Ay Khôi thì có rất nhiều ngôi nhà nhưng ông vẫn thích sống ở ngôi nhà sàn truyền thống đã làm gần 40 năm. Nhà dựng theo lối kiến trúc 4 vài, 3 chái. Gian ở giữa dùng để đón tiếp khách. Nhà bố trí cửa chính và cửa phụ. Cửa chính dành cho đàn ông, cửa phụ dành cho đàn bà. Phía trước nhà xây sàn nước tương tự như một tiền sảnh, cầu thang không được xây dựng ở chính giữa mà thường làm ở bên phải nhà, trong nhà thường có 2 bếp lửa, một bếp ở giữa khu sinh hoạt của gia đình, bếp còn lại bố trí ở giữa khu tiếp khách và thờ cúng. Tuy nhiên Ay Khôi cho biết ở đây không kiếm được lá mây nên phải lợp  nhà bằng tôn…

Thay cho lời kết

Gìn giữ bản sắc luôn là nỗ lực của cả cộng đồng Vân Kiều ở Ea Hiu, từ lớp trẻ như Sa Na An, Niang Biếch đến những người có uy tín, những nghệ nhân như Ay Khôi, Pả Vinh, Pả Thu… Ngoài nâng niu, nuôi dưỡng những giá trị văn hóa của cha ông, họ cũng đang cố gắng kết nối với cội nguồn bằng những hoạt động bình thường như thăm người thân ở quê gốc nhằm thắt chặt quan hệ họ hàng, để được sống trong môi trường văn hóa truyền thống hay giáo dục thế hệ trẻ qua những câu chuyện kể, những kỷ niệm mãi lưu giữ trong ký ức…

Rời Ea Hiu trong chiều muộn, bên kia cánh đồng lúa Đông Xuân xanh mướt ai đó đang tấu lên réo rắt một điệu đàn Ta Lư… Bịn rịn chia tay Ay Khôi và thầy giáo Sa Na An với lời chúc “bành xoành” (lên đường bình an)…

Ghi chép của Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.