Sắc màu văn hóa tết ở vùng cao Tây Bắc
Gói bánh chưng và làm bún ăn tết
Với đồng bào Tày vùng Tây Bắc, việc gói bánh chưng đã trở thành việc làm thiêng liêng và quan trọng vào ngày giáp tết. Để có những mẻ bánh chưng ngon và dẻo, vào vụ gặt tháng 10 âm lịch, người Tày Tây Bắc thường chọn những giống gạo nếp ngon, hạt tròn mẩy, dẻo và đều, sau đó buộc thành từng chùm to treo lên gác bếp hoặc sàn nhà để gần tết mang đi xay xát về gói bánh chưng. Những ngày giáp tết, người Tày Tây Bắc tấp nập lên rừng hái lá dong và chặt ống giang về để gói bánh. Theo kinh nghiệm, người ta thường cắt lá dong xanh ngắt và to bản mọc ở ven suối trong rừng sâu; chọn những cây giang không quá già, chỉ ở độ “bánh tẻ” thì lạt gói bánh mới dẻo.
Vào ngày ba mươi tết, công việc gói bánh chưng ở các bản Tày mới bắt đầu chứ không gói quá sớm như ở những vùng miền khác. Trước đây, việc gói và luộc bánh chưng thường diễn ra ngay bên bờ suối để thuận lợi cho việc lấy nước và tiếp nước khi luộc bánh. Hình ảnh những người phụ nữ Tày Tây Bắc trong trang phục truyền thống gánh bánh ra ven suối để luộc bánh ngày ba mươi tết luôn gợi lên không khí tết thật đầm ấm, sung túc và vui vẻ. Trước đây, bánh chưng của người Tày Tây Bắc được nấu trong ống kê nang (ống nứa) nhưng ngày nay đã cải tiến hơn là nấu bằng nồi gang to. Bánh chưng tết của người Tày Tây Bắc có hình dài, gạo được nhuộm màu xanh đen bằng lá cơm cẩm và tro than của rơm nếp, nhân bánh bằng đậu xanh, thịt gà băm nhuyễn. Khi bánh chưng được luộc chín ở ven suối, người ta xếp bánh vào gùi, sọt gánh bánh về. Bánh chưng được đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, sau đó người ta mới bóc bánh ăn để chuẩn bị đón giao thừa.
Nghi lễ cúng mùng một Tết
Sau đêm giao thừa, sáng mùng một tết, đồng bào Mông Tây Bắc đoàn tụ gia đình để tiến hành nghi lễ rất thiêng liêng được duy trì từ bao đời nay mỗi khi tết đến xuân về: lễ Sau su hay còn gọi là lễ cúng cầu may sáng mùng một tết. Trước đây, nghi lễ này được tổ chức theo dòng họ nhưng những năm gần đây được tổ chức theo từng gia đình.
Các bé gái người Mông múa sinh tiền trong hội chơi xuân. |
Mục đích tổ chức lễ Sau su của đồng bào Mông là xua đuổi tà ma, cầu may mắn, no ấm trong cả một năm; sau đó cả gia đình đoàn tụ ăn bữa cơm đầu tiên của năm mới. Lễ Sau su của đồng bào Mông Tây Bắc khá độc đáo từ khâu chuẩn bị, tiến hành cho đến các nghi thức trong bài cúng. Để có một lễ cúng trang trọng, trước tết gia đình người Mông phải chuẩn bị những đồ cúng như gà, giấy đỏ, hạt ngô giống, rượu, ống tre, hương thơm và không quên mời một thầy cúng có tiếng trong bản hay ở bản khác đúng giờ ấy sáng mùng một sẽ đến cúng cho gia chủ. Lễ vật chính trong lễ Sau su là hạt ngô, thóc, kê, đậu tương, một ống nứa dài khoảng 20 cm, giấy đỏ, tím vàng, xanh, trắng, 3 ngọn cây chít có buộc 3 sợi chỉ đỏ và một con gà nhỏ, một bát nước sạch. Gia đình tổ chức lễ cúng chuẩn bị từ chiều ba mươi tết vì mùng một kiêng không được dùng các vật dụng như dao, kéo hay cắt xé. Lễ cúng Sau su chính thức tiến hành vào buổi sáng tinh mơ ngày mùng một tết và kết thúc ngay sau đó khoảng một tiếng đồng hồ. Chuẩn bị làm lễ thì cả nhà đứng tập trung chính giữa nền nhà và đóng cửa lại, thầy cúng ở ngoài gõ cửa 3 lần và hỏi thì gia chủ mới mở cửa đón thầy vào nhà, thầy nhìn thấy giữa nhà là cả gia đình còn xung quanh là các mảnh giấy xanh, đỏ, tím vàng… Thầy cúng bắt đầu cầu khấn, hát văn kết hợp dùng các hạt ngô, thóc, kê.. ném vào các góc nhà, trên gác, trong giường xua đuổi tà ma, bệnh tật, những tai hại đi ra khỏi nhà gia chủ và cầu xin thần linh bảo vệ cho dòng họ thoát hẳn khỏi sự quấy phá của ma tà. Kết thúc lễ cúng, một người khách cầm tất cả các vật trên đi vùi lấp. Cùng đó, thầy cúng dùng bát nước phun lên mọi người trong nhà cầu cho họ đã được rửa sạch các bệnh tật, tai nạn và tà ma về làm hại gia đình cho dù ở dưới đất hay trên trời. Sau lễ cúng, cả gia đình đoàn tụ, quây quần bên bếp lửa để cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm mới, bàn về những dự định trong năm mới. Sau su là một nghi lễ hết sức đặc sắc và độc đáo của người Mông Tây Bắc mỗi khi Tết đến xuân về.
Xuân về tụ tập chơi đánh quay
Nếu ở những vùng quê đồng bằng Bắc Bộ hay trung du, chơi quay là trò chơi chỉ dành cho con trẻ thì ở vùng cao Tây Bắc, tại các bản người Mông vắt vẻo trên núi cao, tết đến xuân về, người già trẻ, lớn bé đều tập trung ở một bãi đất bằng phẳng hay sân nhà để chơi đánh quay, một trò chơi truyền thống của người Mông.
Để có được những con quay to và tốt, trước tết khoảng một tháng, người Mông lặn lội lên núi tìm những khúc gỗ chắc khỏe về đẽo quay. Có rất nhiều loại gỗ rừng dùng để đẽo quay; mỗi người, mỗi gia đình có một sở thích về một loại gỗ dùng để đẽo quay, vì vậy, các con quay của người Mông được làm bằng những chất liệu gỗ khác nhau. Sau khi đẽo xong, người Mông mang quay xuống ao hay ruộng bùn ngâm khoảng một tuần cho quay được bền chắc hơn.
Từ ngày mùng một tết trở đi, đồng bào tụ tập để đánh quay. Trò chơi này chủ yếu dành cho nam giới nhưng đôi khi cũng có phụ nữ cao hứng xin được tham gia. Các “xới” chơi quay đứng thành từng vòng tròn, to hay nhỏ tùy vào số lượng người tham gia, lúc đầu là chơi thử sau đó là thi đánh quay. Cuộc thi đánh quay của người Mông khá độc đáo. Một con quay thắng cuộc phải là quay được bổ xuống theo hình vòng cung tính từ tay người đánh, quay đó phải quay tít, quay lâu và khi quay phát ra tiếng kêu gần như chói tai. Trò chơi đánh quay là một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào Mông vùng Tây Bắc mỗi khi tết đến xuân về.
Lễ hội xuống đồng đầu năm mới
Đã thành thông lệ hằng năm, sau tết Nguyên đán, đồng bào Tày vùng Tây Bắc lại tưng bừng mở hội xuống đồng cầu cho mưa thuận gió hòa để mọi người trong bản có một mùa gieo hạt thắng lợi, mọi người có sức khỏe, nhà nhà no ấm. Người dân trong bản chuẩn bị mâm lễ gồm những sản vật do bà con làm ra để dâng lên Thành hoàng làng, thần núi, thần suối sau một năm làm ăn. Chuyển sang phần hội, bà con cũng phải xin phép Thành hoàng làng bằng cách dâng lễ tại chân cột còn, sau khi chủ nhang làm lễ và tiến hành tung quả còn ba lần thì dân làng bắt đầu vào hội. Lễ hội xuống đồng còn tổ chức các cuộc thi cày trâu với những đường cày nhanh, thẳng và đẹp thể hiện ước mong có được một mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, lúa ngô đầy cót đầy bồ. Trong lễ hội xuống đồng của đồng bào Tày, nhiều nội dung, trò chơi dân gian có thể thay đổi qua từng năm nhưng không thể thiếu phần thi cày và thi ném còn.
Có thể nói, phong tục đón tết của mỗi dân tộc vùng Tây Bắc như những bông hoa rực rỡ sắc màu của núi rừng làm nên một mùa xuân Tây Bắc tươi đẹp và náo nức lòng người.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc