Rừng thiêng trong tâm thức người Tây Nguyên
Những ai từng sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, gắn bó với mảnh đất nhiều huyền thoại này có lẽ đều chất chứa tình yêu sâu sắc và nặng nghĩa với rừng. Và có lẽ không đâu như ở Tây Nguyên rừng là không gian sống, không gian thiêng, không gian làm nên giá trị văn hóa nhân văn của người bản địa nơi đây.
Sinh ra và lớn lên trong sự che chở của rừng già ở buôn M’Liêng, một buôn cổ nằm ven Hồ Lắk nên khi Y Nốt nhìn những cánh rừng nơi đây đang ngày một thu hẹp dần, anh chẳng thể nào che giấu được nỗi buồn. Anh bảo, người M’nông ở Lắk nói chung, ở buôn cổ M’Liêng nói riêng không thể sống xa rừng. Những cánh rừng thâm u bất tận là nhà, là đất mẹ, nơi con người luôn hướng về từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi về với thế giới của tổ tiên, ông bà. Thế nên nếu một ngày phải xa rừng, một ngày không nghe tiếng suối róc rách, tiếng chim lảnh lót, tiếng của bước chân thú rừng giẫm trên cành lá mục là quay quắt nhớ. Trong ngôi nhà dài phủ màu thời gian, Ama Huyền, buôn trưởng buôn M’Liêng bảo, người M’nông R’lâm ở buôn M’Liêng may mắn được cưu mang bởi rừng già bên hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên. Bây giờ rừng đã dần lùi xa, nhưng không ai có thể quên mình đã lớn lên trong sự chở che bao bọc của rừng. Nỗi nhớ vì vậy luôn canh cánh, nhất là khi chiều về nó càng cồn cào, thôi thúc, cứ như muốn dẫn dắt bước chân vào rừng. Cho nên có những lúc người ta vào rừng gần như không có mục đích, chỉ đơn giản là được giao hòa và tan loãng vào thiên nhiên. Những người thế hệ như ông, nỗi nhớ rừng lại càng luôn thường trực, trong ánh nhìn của ông vì vậy luôn phảng phất nỗi buồn. Có lẽ là bởi, bếp lửa, ché rượu, rừng già và cồng chiêng - những yếu tố làm nên những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người M’nông ở Đắk Lắk nói riêng giờ đang đối mặt với nhiều thử thách của sự tồn vong. Tôi chợt nhận thấy trên gương mặt phảng phất nỗi buồn ấy là nỗi nhớ rừng xưa cũ của già Y Nul Êban ở buôn Ea Sút (huyện Cư M’gar) trong một chuyến công tác cách đây nhiều năm. Đó là niềm đau đáu trước những gì thân thuộc, gắn bó như máu thịt, là một phần đời của mình đang đổi thay trước những biến thiên bất tận của đời sống và quy luật nghiệt ngã của thời gian. Đó còn là sự xâm lấn của nỗi sợ hãi về sự tồn vong của những giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc mình. Ngày đó, ông còn minh chứng cho chúng tôi khi đem chiêng ra đánh, để thấy không còn rừng, tiếng chiêng trở nên lạc lõng. Rồi ông nói trong niềm day dứt, bảo tồn giá trị văn hóa của người bản địa sẽ là hoài công khi để những cánh rừng chảy máu.
Rừng ở bến nước Kmrơng Prông A, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). |
Chung niềm đau đáu ấy, những người con dưới lũng đầu nguồn suối Ea Nuôl ở TP. Buôn Ma Thuột như bà H’Len ở buôn Akô Dhông cũng đầy trăn trở, lo âu trước áp lực đô thị hóa. Bà sợ rằng, những khoảng xanh của rừng già sẽ dần nhường cho bê tông, cốt thép, nhà cao tầng và các dự án. Bà bảo, khi còn sống già làng Ama H’Rin luôn trăn trở làm sao để giữ rừng, bởichỉ có giữ rừng buôn mới được khoảnh rừng nguyên sinh còn lại che chở, có giữ được rừng mới giữ được bến nước đầu nguồn của buôn làng. Cho nên, song hành với việc kiên quyết dặn người trong buôn gìn giữ kiến trúc nhà dài cổ truyền, ông không bán, cũng không cho phép ai chặt cây rừng. Buôn Akô Dhông bây giờ đã trở thành một điểm du lịch khá hấp dẫn và để lại nhiều ấn tượng với du khách trong và ngoài nước; nhưng khi những người tha thiết với những giá trị văn hóa truyền thống như già Ama H’Rin đã lần lượt về với thế giới ông bà, thì vấn đề gìn giữ, bảo tồn nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống nơi đây đang đối mặt với nhiều thách thức trước áp lực đô thị hóa. Ngôi nhà dài cổ của Ama H’Rin vì sinh kế mà các thế hệ con cháu đã thay vào đó bằng một ngôi nhà dài khác, lạ lẫm với những giá trị cũ xưa. Còn văn hóa cồng chiêng thì cũng đang dần phai nhạt. Có gì lạ đâu, khi khu vực bến nước đầu nguồn đã trở thành điểm kinh doanh với nhiều loại hình dịch vụ. Và hình ảnh bến nước xôn xao bước chân thiếu nữ, rộn ràng tiếng cười đùa của con trẻ trong buổi sớm mai, những lúc chiều tà khi những bóng cây cổ thụ đổ dài trên những nếp nhà cũng chỉ còn lại nỗi khắc khoải trong miền nhớ…
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc