Multimedia Đọc Báo in

Trải nghiệm với thượng nguồn Sêrêpốk

07:43, 12/06/2017

Lên cao nguyên Đắk Lắk để được đi thuyền dạo chơi trên sông nước mênh mông, rồi ghé vào những cù lao xanh mướt bóng cây, thưởng thức những sản vật của người dân địa phương làm ra khiến nhiều người khó tin.

Song, đó là sự thật khi tour du lịch trải nghiệm với sông nước Sêrêpốk đang được một số công ty lữ hành khảo sát và sắp sửa mở ra phục vụ du khách.

Tận dụng lợi thế

Trên các dòng sông ở Đắk Lắk, từ khi những công trình thủy điện ngăn dòng thì phía hạ lưu kiệt nước khiến hầu hết thác, hồ trơ trụi, xác xơ. Tuy nhiên, đổi lại phía thượng lưu thì mực nước dâng lên, lòng sông được mở rộng thêm giúp tàu thuyền đi lại trở nên dễ dàng, thuận tiện.

 Thượng nguồn sông Sêrêpốk hiện đang có lợi thế đó, nhờ vậy đời sống sinh hoạt, sản xuất của cư dân ở đây trở nên sầm uất và sôi động hẳn. Người ta tận dụng mặt nước dâng cao hơn 6 m so với trước để thả bè nuôi cá, tôm đủ loại. Những cù lao nổi lên giữa hai con sông Krông Na và Krông Nô dài hàng chục ki-lô-mét trước khi nhập vào dòng Sêrêpốk làm một, nay cũng được bồi đắp thêm phù sa vào mùa mưa hằng năm nên càng màu mỡ, tươi tốt giúp hàng nghìn nông hộ trong vùng gieo trồng lúa, ngô và cây trái quanh năm. Phó Chủ tịch huyện Krông Ana – ông Y Hương Niê nói rằng, sản vật nông nghiệp làm ra trên những cù lao ấy bao giờ cũng có năng suất, sản lượng cao gần gấp đôi nơi khác, không những đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, mà còn cung cấp cho cả vùng rộng lớn, từ huyện Lắk, Cư Kuin sang Krông Nô - Đắk Nông và TP. Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, sản lượng cá ở đây (trê, lóc, diêu hồng, chép, trắm, rô phi) cung cấp ra thị trường các tỉnh Tây Nguyên mỗi năm trên 50.000 tấn. Ông Y Hương đánh giá đây là vựa cá có tiềm năng lớn nhất Đắk Lắk, dần đóng vai trò thay thế cho những địa phương vốn có thế mạnh này như Ea Kao, Hòa Phú, Krông Pắc, Cư M’gar, Ea Súp…

Nuôi thả cá trên dòng Sêrêpốk.
Nuôi thả cá trên dòng Sêrêpốk.

Từ đời sống sản xuất được cải thiện và đẩy mạnh theo hướng tích cực như vậy, một số cơ sở nuôi cá, cũng như nhiều hộ trồng trọt nông sản trên thượng nguồn Sêrêpốk đã bắt đầu nghĩ đến việc kết hợp với du lịch nhằm mở rộng, đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập. Anh Lưu Tấn Đại, phụ trách trang trại cá Minh Nguyên (thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana) cho biết sẽ sẵn sàng “bắt tay” với các đơn vị lữ hành đưa khách đến đây tham quan, vui chơi. Sản phẩm du lịch ở vùng sông nước này như du thuyền ngắm cảnh, tản bộ trong vườn cà phê, hồ tiêu, sau đó cùng người dân trải nghiệm quy trình nuôi thả cá, canh tác hoa màu và nhất là thưởng thức các loại đặc sản tại chỗ… chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt so với bức tranh du lịch Đắk Lắk vốn đơn điệu như hiện nay, qua đó góp phần thu hút, hấp dẫn ngày càng nhiều du khách tìm đến.

Đánh thức tiềm năng

Trong đợt khảo sát tour du lịch nói trên vào những ngày đầu tháng 6-2017 vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng nhận ra sự khác biệt ấy khi tư vấn cho các công ty du lịch Đắk Lắk xây dựng vùng sông nước này trở thành điểm đến. Theo ông Tuấn, tiềm năng thì đã rõ, vấn đề là đánh thức nó như thế nào, lộ trình ra sao? Quan trọng nhất là quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng cho điểm đến này, trong đó hệ thống giao thông kết nối từ Quốc lộ 14 theo tỉnh lộ 2 vào các bến sông, khu dân cư trong vùng là yêu cầu đầu tiên đặt ra. Hệ thống giao thông kết nối này dài khoảng 40 km, nếu được Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ở đây cùng chia sẻ thì hết sức khả thi. Đến khi ấy, từ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, du khách chỉ mất hơn nửa giờ đồng hồ xe chạy là đến với điểm du lịch lý thú kia.

Không dừng lại ở đó, nhiều công ty lữ hành cho rằng tour trải nghiệm phía thượng nguồn Sêrêpốk còn mở rộng sang tỉnh Đắk Nông bằng đường thủy nối từ bến sông Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krông Ana) qua bến sông Buôn Cháy (xã Buôn Cháy, huyện Krông Nô Đắk Nông) để tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngọn núi lửa Buôn Cháy đã tắt hàng triệu năm trước, cùng với hệ thống hang động rộng lớn, độc đáo và đa dạng trên địa bàn Krông Nô đang được chính quyền tỉnh Đắk Nông hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu. Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Dam San kỳ vọng: Với tiềm năng to lớn ấy, cùng với sự phong phú, đa dạng về mặt địa hình, sinh thái, cảnh quan và môi trường của vùng đất này, điểm đến khu du lịch thượng nguồn Sêrêpốk sẽ mở ra hướng đi mới cho “ngành công nghiệp không khói” Đắk Lắk trong những năm tới. 

            Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.