Quyến rũ vẻ đẹp Trùng Khánh
Huyện Trùng Khánh nằm ở phía đông bắc tỉnh Cao Bằng, là vùng đất xa xôi, địa hình hiểm trở, là nơi sinh sống từ lâu đời của đồng bào Tày.
Đặt chân đến Trùng Khánh giữa mùa thu, bạn sẽ có cảm giác sống chậm giữa một không gian tràn ngập sắc thu và vẻ đẹp hữu tình của trời mây non nước. Núi ở đây xanh tốt quanh năm bởi thảm thực vật; những tấm thảm xanh choàng lên những ngọn núi đến ngút tầm mắt, tạo nên một không gian xanh, tươi mát cho xứ núi. Đi trên con đường nhựa dẫn vào trung tâm huyện, dưới những triền núi sừng sững, ai cũng có cảm giác mình thật nhỏ bé.
Con đường dẫn vào trung tâm huyện Trùng Khánh uốn lượn, khung cảnh tuyệt đẹp và yên ả. Hai bên đường là những triền núi xanh mướt nương ngô, nương lúa của cư dân nơi đây. Bên ven đường, có những đàn bò, đàn ngựa đang nhởn nhơ gặm cỏ, tiếng mõ lách cách vang vang giữa chiều thu gợi lên khung cảnh thanh bình. Mùa thu về, thiên nhiên nơi đây như phô diễn sắc đẹp bằng việc điểm tô cho rừng, cho núi những chùm hoa rừng đủ các sắc màu.
Những cọn nước khổng lồ mang nước về các cánh đồng. |
Trùng Khánh có những con suối uốn lượn quanh những bản làng, những cánh đồng. Để dẫn nước vào đồng ruộng, người dân tộc Tày nơi đây đã tự tay làm những chiếc cọn nước khổng lồ đặt ngang những con suối. Trên cánh đồng, những chiếc cọn nước quay đều, tròn xoe hình mặt trời gợi lên cảnh sắc đặc trưng chỉ có ở xứ sở vùng cao. Đi giữa cánh đồng đang vào mùa gặt, dưới nắng thu vàng, tiết trời se se lạnh, hương lúa mới choán ngợp tâm hồn khiến cho con người trở nên thư thái, dễ chịu.
Vùng đất Trùng Khánh có những bản làng tuyệt đẹp. Trong những bản làng ấy, có những ngôi nhà sàn cổ được làm bằng đá xanh rất vững chãi và kiên cố. Vào mùa hè, nằm trong nhà sàn đá, không cần bật quạt mà vẫn mát. Buổi chiều, mây choàng xuống các bản nhỏ khiến không gian ở đây như ngưng đọng, như đặc quyện và huyền ảo. Bên những căn nhà sàn vào buổi tối, bếp lửa bập bùng gợi lên sự ấm áp và sức sống mãnh liệt của cuộc sống nơi đây.
Ấn tượng đầu tiên của Trùng Khánh là vẻ đẹp hùng vĩ. Đó là những ngọn núi cao đến ngất trời, từng dải uốn lượn quanh những cánh đồng bát ngát. |
Đến Trùng Khánh mà không chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Bản Giốc thì quả là đáng tiếc. Khung cảnh xung quanh thác còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, thảm thực vật xanh tốt và ngập tràn sức sinh sôi. Từ xa đi tới đã nghe thấy tiếng thác reo. Không ào ạt, không dữ dằn, thác Bản Giốc là một dàn âm thanh được tạo nên bởi muôn ngàn dòng nước hợp lại nghe tựa như một thanh âm trong trẻo giữa núi rừng. Thác nước được chia làm nhiều tầng một cách tự nhiên. Nước trắng xóa đổ từ trên cao xuống tạo nên những dòng thác tuyệt đẹp và kỳ thú. Nhìn từ xa, thác Bản Giốc mềm mại như những tấm lụa trắng vắt ngang đỉnh núi, đổ xuôi dưới chân núi. Hồ nước Bản Giốc trong xanh, soi bóng những triền núi cao sừng sững.
Vào mùa thu, Trùng Khánh có một đặc sản rất hấp dẫn là hạt dẻ. Xưa kia, cây dẻ trong rừng già trổ hoa vào đầu xuân rồi kết trái thành từng chùm. Hoa dẻ nở thơm nức cả khu rừng nhưng chùm quả dẻ lại không mấy ưa nhìn bởi vỏ quả là lớp gai xù xì, nhọn hoắt, cầm không khéo là dễ bị đâm vào tay. Cuối thu, đầu đông, vỏ quả dẻ tách ra, làm lộ rõ những hạt dẻ tròn tròn, vỏ màu nâu sẫm, cứng như sừng mun. Chỉ độ vài ngày, hạt dẻ rụng xuống chân gốc. Người Tày vào rừng nhặt hạt dẻ về luộc, nướng, rang ăn thấy bùi bùi, ngọt ngọt. Thú nhất là được đi dưới tán rừng dẻ bạt ngàn vào tiết trời se se lạnh cuối mùa thu ở xứ sở Trùng Khánh để nhặt hạt dẻ.
Đến Trùng Khánh, bạn còn được thưởng thức những món ăn của đồng bào vùng cao nơi đây như cơm lam, bánh chưng gùi, bánh khảo, lợn cắp nách, gà nướng… Du khách còn dạo bước thong dong trong những phiên chợ để có thêm những trải nghiệm thú vị về cuộc sống, con người và văn hóa vùng cao.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc