Multimedia Đọc Báo in

Về xứ Mường thưởng thức nếp Gà gáy

17:21, 29/12/2017

Huyện Yên Lập (Phú Thọ) có biết bao điều lý thú đối với những ai có sở thích khám phá vẻ đẹp của con người và mảnh đất xứ Mường.

Sau khi thăm thú khung cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng, bạn nhớ dừng chân ở xã Mỹ Lung để thưởng thức món xôi nếp không vùng nào có được, đó là đặc sản nếp Gà gáy.

Gạo nếp thì vùng nào cũng có và mỗi loại nếp mang một hương vị riêng nhưng nếp Gà gáy Mỹ Lung bấy lâu nay nổi tiếng khắp vùng, độc nhất vô nhị. Không hiểu do thổ nhưỡng, khí hậu hay bàn tay con người trồng cấy mà giống lúa nếp này chỉ trồng được ở Mỹ Lung và cho mùa màng bội thu, cho hạt nếp dẻo thơm. Nhiều người nơi khác đến mua giống về cấy thì nếp lại bị thoái hóa, không thơm ngon như gieo cấy ở xứ Mường Mỹ Lung.

Nghe tên “nếp Gà gáy”, ai cũng thấy lạ và tò mò. Đến Mỹ Lung, ngồi trên nhà sàn người Mường, bên bếp lửa, bạn sẽ được người Mường kể cho nghe sự tích về giống nếp quý của họ.

Nếp Gà gáy là giống nếp quý chỉ có ở xứ Mường.
Nếp Gà gáy là giống nếp quý chỉ có ở xứ Mường.

Truyện kể rằng, xưa kia ở làng Mỹ Lung có một cô gái về làm dâu một nhà nọ. Việc đầu tiên của cô gái sau khi về nhà là phải dậy sớm vào tờ mờ sáng hôm sau để đồ xôi nếp, dâng cúng tổ tiên người Mường. Nhưng đêm đó, do phải tiếp khách, làm nhiều công việc, cô dâu đã quên mất không ngâm gạo nếp, không dậy sớm được. Điều này khiến cô gái lo lắng, bất an vì nếu bố mẹ chồng biết được và không có xôi đồ cúng tổ tiên thì đó là tội rất nặng, cô gái sẽ bị nhà chồng quở mắng thậm tệ. Biết vậy nhưng không có cách nào tháo gỡ, cô gái đành ngồi ôm mặt khóc ở góc bếp. Nghe tiếng khóc tỉ tê, Bụt hiện lên hỏi rõ nguồn cơn, cô dâu kể lại sự tình cho Bụt nghe. Thương tình, Bụt đã ban cho cô dâu một túi gạo nếp và một ít lúa để làm giống, dặn cô rằng loại gạo nếp này không cần ngâm cũng độ xôi được, chờ đến khi gà gáy sáng, trở dậy ngâm qua gạo đồ xôi cũng vẫn kịp. Cô dâu mừng thầm, làm theo lời Bụt dặn dò và sáng hôm sau, khi cả nhà thức dậy, cô dâu bưng lên những đĩa xôi dẻo thơm để cúng tổ tiên. Từ đó, giống lúa nếp mà Bụt cho đã bén rễ ở vùng đất Mường Mỹ Lung. Cư dân nơi đây vẫn gọi đó là “nếp Gà gáy”.

Nếp Gà gáy có nét khác biệt so với nhiều giống nếp khác. Thời gian từ khi cấy đến khi thu hoạch phải mất từ 5 - 6 tháng, cây lúa thường cao gần 2 m, ưa ruộng trũng, không cần bón phân nhiều. Hạt nếp khi xát vỏ nhìn trắng và trong, hình dáng hạt nếp tròn đều, vẻ ngoài bóng mẩy. Nếp Gà gáy có thể đồ xôi bất kỳ lúc nào mà không cần ngâm, nếu cẩn thận thì chỉ ngâm qua khoảng một giờ trước khi đồ. Đặc biệt, xôi nếp gà Gáy khi nắm không hề dính tay. Xôi nếp Gà gáy ăn với muối vừng, muối lạc, chả nướng đều rất hợp và ngon miệng.

Xôi nếp Gà gáy thơm ngon và đậm đà dư vị xứ Mường.
Xôi nếp Gà gáy thơm ngon và đậm đà dư vị xứ Mường.

Người Mường Mỹ Lung có cách cất giữ nếp Gà gáy rất độc đáo. Khi lúa được cắt về, họ không tuốt hay phơi ngay mà buộc túm thành từng chùm lớn rồi treo thành từng hàng lên gác nhà để cho lúa khô dần. Khi nào ăn mới lấy lúa xuống vò, xát để lấy gạo. Theo người Mường nơi đây, cách làm như vậy sẽ giữ được vị thơm ngon của nếp Gà gáy.

Muốn mua nếp Gà gáy về thưởng thức, bạn nên đến thẳng nhà người Mường tại các bản Mường hoặc chợ phiên để đặt mua mới có thể mua được chính xác loại gạo quý.

Nếp Gà gáy Mỹ Lung là món quà quý của người Mường vùng này. Người dân dùng nếp Gà gáy để đồ xôi ngũ sắc vào dịp lễ tết, cưới hỏi, hội bản, dùng nếp để giã bánh dày, gói bánh chưng dâng cúng Vua Hùng, tổ tiên. Bước chân lên ngôi nhà sàn Mường, bên bếp lửa bập bùng, ngồi nghe người Mường kể sự tích giống nếp quý, bên chõ xôi đang tỏa mùi thơm ngạt ngào quả không có gì ấm áp và thú vị bằng.

Xôi nếp Gà gáy Mỹ Lung có mùi hương vị ngon đặc trưng. Đó là hương thơm lừng lựng của nếp, vị dẻo ngọt của gạo hòa quyện khiến cho người thưởng thức dù chỉ một lần cũng nhớ mãi.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.