Multimedia Đọc Báo in

"Báu vật" trong ngôi nhà dài Êđê trăm tuổi

17:40, 19/10/2018

Trước “cơn lốc” đô thị hóa, nhiều ngôi nhà dài ở các buôn làng Êđê dần biến mất, nhưng ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) có ngôi nhà dài thuộc sở hữu của ông Y Jui Êban (64 tuổi) vẫn còn giữ gần như nguyên bản, với nhiều “báu vật” văn hóa của đồng bào Êđê nói riêng và Tây Nguyên nói chung hiếm nơi nào có.

Một buổi sáng cuối tuần hanh hao nắng đẹp, chúng tôi được anh Y Gôl (Bí thư Chi bộ buôn Kmrơng Prông B) dẫn đến thăm ngôi nhà dài Êđê to đẹp, quý nhất buôn. Qua vài lời chào hỏi, ông Y Jui vui vẻ mở cửa mời khách vào nhà.

Ông bảo: “Đi ra khỏi nhà là mình phải khóa cửa chắc chắn, phòng kẻ gian đột nhập. Mình cũng hay dè chừng người lạ, họ vào cứ nài nỉ bán trống bán chiêng, nhưng đây là tài sản quý ông bà để lại cho con cháu, mình làm sao bán được”. Rồi ông kể về nguồn gốc ngôi nhà có từ thời ông bà, đến nay đã qua ba thế hệ với hơn trăm tuổi. Trước đây, nhà dài 70 m, mái lợp cỏ tranh, sàn lót tre, vách ngăn bằng nứa, là không gian sinh sống chung của đại gia đình. Đến năm 1984, thực hiện chủ trương tách hộ của tỉnh (tách từ các hộ trong căn nhà sàn dài ra ở riêng) ngôi nhà thu lại còn 35m, ngang 6 m. Ông chỉ thay sàn bằng ván gỗ, mái lợp tôn để ngôi nhà chắc chắn, không bị nắng mưa tác động, còn các vật dụng như chiêng, chóe… đều được giữ lại, đó là “báu vật”, bao nhiêu tiền của cũng không thể bán đổi.

Dãy chóe quý trong ngôi nhà dài 100 tuổi.
Dãy chóe quý trong ngôi nhà dài 100 tuổi.

Ngồi lên thân cây gỗ được đẽo bóng láng, ông Y Jui cho biết đó là chiếc ghế Kpan “quyền lực” của người Êđê. Ngồi lên ghế, mọi hận thù, khoảng cách về giai cấp địa vị sẽ được xóa đi, nhường chỗ cho tình anh em, tình đoàn kết trong buôn làng. Để làm ra chiếc ghế Kpan tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nên chỉ những nhà giàu có nhất buôn mới sở hữu được.

Hiện nhà ông Y Jui có trọn bộ ghế Kpan gồm 7 chiếc, chiếc lớn nhất dài 10 m, ngang 80 cm; ghế nhỏ nhất dài 2 m, được đẽo từ cây gỗ to, nguyên khối. Chỉ tay về bên hông nhà, ông Y Jui giới thiệu về dãy chóe quý được xếp ngay ngắn trên chiếc ghế Kpan dài nhất. Chóe có đủ chủng loại, màu sắc, với nhiều hoa văn hình con rồng, con rùa… được chạm khắc tinh xảo. Cùng với ghế Kpan, chóe là “thước đo” về sự giàu có và uy lực của gia chủ. Hai “báu vật” văn hóa tiếp theo hiện hữu trong ngôi nhà của ông Y Jui là bộ cồng chiêng quý được đúc bằng hợp kim đồng pha vàng, cho thanh âm trong trẻo, vang xa hơn và hai chiếc trống H’gơr to, tròn làm từ cây cổ thụ, mặt trống phủ da trâu.

Ông Y Jui (bên trái) giới thiệu ngôi nhà dài với khách tham quan.
Ông Y Jui (bên trái) giới thiệu ngôi nhà dài với khách tham quan.

Sự quyền uy, giàu có của gia chủ sở hữu ngôi nhà trăm tuổi không chỉ thể hiện ở việc sở hữu nhiều ghế Kpan, chiêng, trống… mà còn ở ngay chính các hoa văn hình vật chạm trổ công phu. Ông Y Jui cho hay, ai vào nhà cũng thắc mắc về sự xuất hiện của cặp voi gỗ này.

Theo như ông được biết, người Êđê rất thích chạm khắc hình các con vật như voi, cá, rùa, kỳ đà… lên nhà để trang trí và hoa văn cũng thể hiện địa vị, sự giàu có của gia chủ. Là chủ nhân sở hữu ngôi nhà quý hiếm này, ông Y Jui đêm ngày khắc khoải lo âu trước những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đang bị mai một dần theo thời gian.

Ông tâm sự, ngày trước ở buôn có nhiều nhà dài, chiêng chóe lắm, nhưng nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, tất cả đã theo chân thương lái mua đồ cổ về xứ khác, giờ dân muốn nghe tiếng chiêng tiếng trống cũng hiếm. Bất lực trong việc khuyên ngăn người dân trong buôn gìn giữ “báu vật” buôn làng, ông Y Jui chỉ biết bảo vệ tài sản của ông bà mình để lại. Cả những lúc khó khăn nhất, ông cũng không có ý định bán đi một vật dụng nào. Hằng ngày sau giờ lên rẫy, ông lại dành thời gian lau chùi, chiêm ngưỡng “báu vật” trong ngôi nhà dài. Thi thoảng có khách ghé thăm ngôi nhà, ông lại say sưa giới thiệu tỉ mỉ cho họ ý nghĩa từng vật dụng. Giới thiệu thế dù chẳng được gì, nhưng ông vẫn rất vui vì vẫn có người quan tâm đến văn hóa dân tộc mình. Ông hy vọng con cháu sau này sẽ thay ông lưu giữ những “báu vật” trong nhà, góp phần giới thiệu, đưa văn hóa Tây Nguyên giao lưu với nhiều nền văn hóa khác.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.