Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa truyền thống và tâm tư câu chuyện bảo tồn

17:23, 25/11/2018

Thời gian qua chính quyền các cấp cùng với người dân đã rất nỗ lực trong việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống trước những biến chuyển của đời sống xã hội.

Thực tế đã có rất nhiều chủ trương, chính sách từ Trung ương đến địa phương được ban hành và thực thi nhằm hướng đến mục tiêu “ Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII đã đặt ra .

Tại Đắk Lắk, chính quyền địa phương đã có nhiều chương trình (đề án) hỗ trợ, giúp đỡ các cộng đồng dân tộc, nhất là dân tộc ít người trên địa bàn bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống bằng nhiều giải pháp kịp thời và đa dạng. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn những hạn chế, chưa đạt hiệu quả như mong muốn, mà theo ý kiến của nhiều người tâm huyết với công tác này thì nguyên nhân là do chậm giải quyết rốt ráo “gốc rễ” của vấn đề. Gốc rễ ở đây chính là tâm tư, nguyện vọng và quyền lựa chọn của chủ thể văn hóa còn bị xem nhẹ; cơ quan có thẩm quyền chưa thật sự lắng nghe, tham vấn ý kiến đóng góp của người trong cuộc về việc hoạch định chủ trương, chính sách bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống tại địa phương.

Mọi nghi thức, lễ hội truyền thống của người Êđê đều hướng đến mối dây cộng cảm, thắt chặt sức mạnh cộng đồng.
Mọi nghi thức, lễ hội truyền thống của người Êđê đều hướng đến mối dây cộng cảm, thắt chặt sức mạnh cộng đồng.

Vì thế, trong câu chuyện này hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm - đó là nền tảng, thiết chế xã hội cổ truyền dần biến đổi theo cuộc sống hiện đại, ý thức của chủ thể vốn văn hóa ấy cũng dần biến chuyển theo chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực đan xen, khó nắm bắt và kiểm soát. Do vậy, khái niệm văn hóa mà người ngoài cuộc nhìn vào (để chi phối, định hướng, dẫn dắt)  không tránh khỏi bất cập. Chỉ có chủ thể nắm giữ vốn văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc mới biết được họ cần phải bảo tồn, phát huy cái gì và bằng cách nào. Ở góc nhìn này, nhiều người am hiểu tường tận vốn văn hóa của cha ông mình như ông Y Wang Hwing  (buôn T’riă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), ông Y Khun Êban (buôn Króa B, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ), hay anh Y Thiêm Byă (buôn Bông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) đã trang trải thật lòng: Không hiểu sao người của cơ quan chức năng chẳng biết chúng tôi đang muốn gì và cần gì trong việc gìn giữ các giá trị di sản của ông bà để lại trước đời sống thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Điều mà ai cũng thấy và đều nhận biết là cố gắng thắt chặt mối dây cộng cảm, sức mạnh cộng đồng thông qua các ngưỡng hành vi, cũng như nếp thực hành văn hóa trong đời sống hàng ngày. Vậy mà một khi buôn làng có việc gì thì cán bộ ở tỉnh, ở huyện xuống hướng dẫn bà con làm theo “kế hoạch” của mình, chẳng cần hỏi han ai cả (!?).

Một nghi thức trong Lễ Cầu mưa của cộng đồng buôn Tring (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ).
Một nghi thức trong Lễ Cầu mưa của cộng đồng buôn Tring (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ).
 
“Trong việc bảo tồn văn hóa của các dân tộc hiện nay, điều đáng lưu ý nhất là chưa hướng đến tâm tư, mong mỏi của cộng đồng. Dường như người ta làm theo “kịch bản” có sẵn, thành thử mọi thành viên tỏ ra thờ ơ, thậm chí không hiểu chuyện gì xảy ra, khiến mối dây cộng cảm và sự cố kết cộng đồng trở nên lỏng lẻo, chẳng còn ý nghĩa...”.
 
Già làng Y Wang Hwing, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar

Ví như cúng bến nước, ăn cơm mới và nhiều lễ hội mùa vụ nông nghiệp khác cũng vậy - huyện, tỉnh cho ít tiền rồi tổ chức theo “kịch bản” có sẵn, thành thử mọi người tỏ ra thờ ơ, thậm chí không hiểu chuyện gì xảy ra, khiến sự cố kết cộng đồng trở nên lỏng lẻo, mất đi ý nghĩa và giá trị vốn có. Cũng theo các già làng có uy tín và hiểu biết nói trên, không hẳn cứ bỏ tiền ra để tổ chức, cổ xúy bà con gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống là được, mà nên hỏi họ muốn gì và bằng cách nào thì chắc chắn sẽ có câu trả lời thỏa đáng.. Điều này đã được chứng thực ở một số nơi như buôn Liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk), buôn Tring (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ), hay buôn Kon H’ring (xã Ea H'đing, huyện Cư M’gar) chẳng hạn, câu chuyện bảo tồn văn hóa của dân tộc Êđê, M’nông, Sê Đăng ở đây hết sức gần gũi và sống động.

Bất kỳ một thực hành văn hóa truyền thống nào cũng đều cho thấy sự cố kết cộng đồng và mối dây cộng cảm của mọi thành viên tham dự. Có thể nói mỗi thành viên trong cộng đồng là mỗi thành tố chân thực và thiết yếu để làm nên giá trị văn hóa đúng nghĩa, không lẫn lộn với dân tộc khác - từ nơi chốn, trang phục, sinh hoạt, phong tục và tín ngưỡng. Như nhận xét của ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar: Nhìn vào thực tế, những gì liên quan đến các giá trị ấy, bà con đều gìn giữ và gắn bó dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào: là nhà dài, bến nước, âm nhạc cồng chiêng, dân ca, dân vũ, vũ điệu… đến cả lễ vật dâng cúng và hiến tế trong các nghi lễ và lễ hội dân gian. Bởi đó là giá trị được tuyên bố, làm nên không gian sống, đồng thời là không gian lịch sử  - văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng lấy đó làm cơ sở để hoạch định chủ trương, chính sách phù hợp cho việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số hiện nay.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.