Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ nét xưa

09:28, 06/02/2019

Được dệt nên bởi những sắc màu đa dạng của 47 dân tộc anh em cùng chung sống, bức tranh văn hóa nơi vùng đất Đắk Lắk càng trở nên trân quý hơn khi giữa nhịp sống sôi động, nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc vẫn được người dân gìn giữ...

Dịu dàng nét duyên văn hóa Thái

“Không xòe không vui/ Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe trai gái không thành đôi...” - câu dân ca mộc mạc, dân dã nhưng đầy lãng mạn, tình tứ ấy đã đi vào tâm khảm của mỗi người con dân tộc Thái và nhắc nhớ nhau dù ở đâu, làm gì đừng quên điệu xòe nhịp nhàng của dân tộc mình. Có lẽ bởi điều ấy, nên những người dân ở buôn Thái (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) đã xa quê hương Tương Dương (Nghệ An) hơn 20 năm vẫn còn dập dìu múa xòe mỗi dịp lễ tết, xuân về.

Chị Kha Thị Quý, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Thái chia sẻ: “Múa xòe là một trong những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái. Mỗi một điệu múa đều mang một ý nghĩa riêng, thể hiện sự đoàn kết thân thiết, gắn bó, sẻ chia... Chính vì thế mỗi người Thái đều biết múa xòe và yêu thích điệu xòe”. 

Phụ nữ buôn Thái (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) múa sạp trong ngày hội.
Phụ nữ buôn Thái (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) múa sạp trong ngày hội.

Hiện nay, ở buôn Thái còn gìn giữ được 6 điệu xòe cổ: Điệu “hắng khién” (nắm tay nhau múa theo vòng tròn) thể hiện tình đoàn kết trong cộng đồng. Điệu “hắng khắn mời lẩu” (nâng khăn mời rượu) tỏ lòng yêu quý và mến khách. Điệu “phá xi” (bỏ trốn) tượng trưng cho bốn phương trời đất, sự đoàn kết trao đổi. Điệu “đổn hốn” (tiến, lùi) thể hiện dẫu trời đất có giông bão, sóng gió nhưng tình cảm giữa người với người vẫn luôn gắn chặt bên nhau. Điệu “nho khăn” (tung khăn) là niềm vui mùa lúa thắng lợi, xây nhà mới, sinh con, thêm cháu. Điệu “ỏm lọm tốp mư” (vòng tròn cổ tay) là sự vui mừng khi gặp gỡ, bịn rịn lúc chia tay sau mỗi điệu múa xòe.

Được tham dự và cùng nắm tay trong vòng xòe ngày hội mới thấy được hết sự lôi cuốn của điệu xòe. Các thiếu nữ xinh đẹp tựa như hoa ban nở, khăn áo tung bay, vừa nắm tay nhau xòe quanh đống lửa, vừa rót cho nhau chén rượu thơm nồng. Sự nhịp nhàng, uyển chuyển của đôi chân theo tiếng khèn, tiếng trống rộn rã, vừa dịu dàng lại cuồng nhiệt, làm khách lạ bỗng trở thành quen, cùng say với điệu múa và men rượu nếp mới...

Ông Lô Quốc Hợi, một trong những cư dân đầu tiên của buôn Thái khi mới thành lập cho biết, khi đời sống kinh tế khá giả hơn, bà con có điều kiện lại càng không quên những nét văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là trong những dịp lễ, hội. Bên cạnh điệu múa xòe truyền thống, người dân buôn Thái vẫn còn lưu giữ các điệu múa sạp, múa chai, cồng chiêng, quành loòng (khua chày), cùng những làn điệu dân ca, trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống... 

Đằm thắm điệu tính, lời then

Về xã Ea Wy (huyện Ea H’leo) vào một ngày cuối năm, tìm đến Câu lạc bộ đàn tính - hát then của các cụ cao tuổi nơi đây chúng tôi được nghe điệu tính, lời then mượt mà vang lên như niềm tự hào của những người con xa quê vẫn luôn gìn giữ mạch nguồn văn hóa của dân tộc mình.

 
“Việc khơi lại mạch nguồn, tìm lại những nét xưa đang bị phai nhạt trong văn hóa các dân tộc đã có kết quả đáng khích lệ. Điều này một phần là nhờ sự nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cấp ủy, chính quyền địa phương, quan trọng hơn là tự trong nhận thức của mình, người dân đều rất trân quý những giá trị văn hóa của ông bà để lại...”.
 
 Tiến sĩ sử học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk Lương Thanh Sơn

Câu lạc bộ đàn tính - hát then xã Ea Wy được thành lập từ năm 2010, với 7 thành viên. “Những ngày mới thành lập gặp nhiều khó khăn vì không có kinh phí hoạt động. Rồi người góp công, người góp của đặt mua đàn, trang phục ở tỉnh Cao Bằng đưa vào. Cũng nhờ các thành viên ai nấy đều rất yêu văn nghệ và cũng rất tâm huyết, muốn đem tiếng hát lời ca phục vụ bà con nên đã duy trì và phát triển Câu lạc bộ cho đến bây giờ…”, ông Triệu Minh Tiến, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ea Wy và cũng là thành viên của đội chia sẻ.

Hiện nay với “quân số” 18 người, người thấp tuổi nhất cũng đã 55 tuổi, còn người cao tuổi hơn cả cũng đã 80 tuổi nhưng đã biểu diễn phục vụ không biết bao nhiêu buổi cho bà con trong và ngoài xã, tham dự các cuộc thi do địa phương tổ chức, biểu diễn giao lưu với các đơn vị... Để các buổi biểu diễn được nhuần nhuyễn, cứ đều đặn hai ngày cuối tuần, các thành viên trong Câu lạc bộ lại tập trung tại nhà một hội viên để tập luyện, thảo luận những bài sẽ hát, trang phục để phù hợp với không gian biểu diễn... Được lắng nghe, đắm chìm trong tiếng đàn tính, lời then đằm thắm, dặt dìu với chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, con người, tình yêu đôi lứa mà các cụ biểu diễn mới thấy được niềm say mê, yêu quý và nỗ lực gìn giữ nét văn hóa của cha ông.

Thành viên Câu lạc bộ đàn tính - hát then xã Ea Wy (huyện Ea H’leo) tập luyện tiết mục biểu diễn.
Thành viên Câu lạc bộ đàn tính - hát then xã Ea Wy (huyện Ea H’leo) tập luyện tiết mục biểu diễn.

Cụ Nông Văn Kính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tâm sự: “Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng được sự cổ vũ, khích lệ của khán giả, đó chính là nguồn động viên chúng tôi cố gắng hơn trong việc duy trì và phát triển Câu lạc bộ. Tuy nhiên, các thành viên trong đội đều đã lớn tuổi mà lại chưa đào tạo được lớp trẻ kế cận, đây cũng là trăn trở phải làm sao để tiếng đàn tính, điệu hát then được tiếp tục lưu giữ...”.

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.