Multimedia Đọc Báo in

Báu vật của gia đình Y Thang Niê

14:59, 25/09/2019
Trong ngôi nhà dài truyền thống của gia đình, ông Y Thang Niê (buôn Kang, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) dành một góc trang trọng phía bên phải căn nhà để lưu giữ, trưng bày những vật dụng mà ông xem như báu vật của gia đình mình.

Cụ thể, bên cạnh 4 chóe lớn là 2 nồi đồng cỡ to chuyên dùng cho các lễ hội lớn. Chiếc trống đại bằng da trâu treo ngay ngắn dưới mái nhà. Phía dưới trống là bộ chiêng 10 cái tựa vào ghế Kpan dài hơn 5 m. Số lượng các báu vật không nhiều, nhưng nhìn vào dễ nhận thấy, đây là những báu vật quý hiếm do nó có kích cỡ lớn, thường thấy trong các hoạt động quan trọng ở các buôn làng.

Theo lời kể của ông Y Thang thì ông vốn sinh ra trong một gia đình có uy tín của buôn. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thấy các báu vật này và biết đến cách thức sử dụng chúng. Gần như các vật dụng đều được sử dụng trong mùa lễ hội, những lễ cúng lớn của buôn làng như cúng mừng lúa mới, cúng sức khỏe, cầu bình an… Tùy từng hoạt động mà sự góp mặt của các báu vật mang đến những thanh âm khác nhau. Ví dụ như tiếng trống, chiêng dồn dập, hối thúc khi họp buôn; rộn rã khi mừng lúa mới, buôn làng có người kết hôn; trầm lắng khi báo buôn có tin buồn… Đã có những thời điểm gia đình phải trải qua cảnh đói ăn, thiếu mặc do thiên tai, mất mùa, người săn cổ vật hỏi mua với giá cao lên đến hàng chục triệu đồng, nhưng ông vẫn không bán.

Đại diện chính quyền địa phương thăm và động viên gia đình ông Y Thang cố gắng giữ gìn chiêng ché.
Đại diện chính quyền địa phương thăm và động viên gia đình ông Y Thang cố gắng giữ gìn chiêng ché.

Bà H’Nin Êban, vợ ông Y Thang tâm sự, hai vợ chồng ông vốn ở cùng buôn và biết nhau từ khi còn nhỏ nên có sự đồng cảm và chí hướng đồng thuận nhất định. Những thời điểm khó khăn, có người trả giá mua chiêng, trống, hay ché mà ông không bán họ thường quay lại nhiều lần và trả giá cao hơn. Khi đó ông lại mâu thuẫn với các con của mình bởi lớp trẻ ngày nay chưa được trải nghiệm những mùa ăn năm uống tháng nên không hiểu được ý nghĩa của các báu vật.

Nhưng dần dà, sau nhiều đêm tâm sự với các con và sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng, các con của bà biết được nạn "chảy máu" cồng chiêng, cổ vật truyền thống âm thầm diễn ra nhiều năm nay. Bản thân các con bà cũng biết được, dù có hàng chục con trâu, con bò cũng không mua nổi các cổ vật nói trên và cùng đồng hành trong việc gìn giữ báu vật truyền thống.

Ông Y Thang Niê tỉ mẩn lau vết bụi trên các báu vật.
Ông Y Thang Niê tỉ mẩn lau vết bụi trên các báu vật.

"Mặc dù xã chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng qua khảo sát sơ bộ trên địa bàn thì chính sự kiên định làm gương của gia đình ông Y Thang trong việc gìn giữ báu vật truyền thống dân tộc mà số lượng chiêng, ché, ghế Kpan, Đing Buốt, Đing Năm… đang được người dân địa phương gìn giữ khá nhiều" - bà H’Minh Ayun, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Knuếc.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.