Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo trang phục truyền thống của phụ nữ Hmông ở Hòa Phong

15:01, 25/09/2019

Di cư từ các tỉnh phía Bắc vào xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) sinh sống, hành trang mang theo không thể thiếu của những người phụ nữ Hmông là trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Chị Dương Thị Chua rời quê hương Hà Giang vào sinh sống tại thôn Noh Prông (xã Hòa Phong) từ năm 1999. Dù đã xa quê 20 năm, nhưng chị Chua cũng như nhiều người phụ nữ khác trong thôn vẫn giữ thói quen “sắm” cho mình một bộ váy áo truyền thống để mặc vào những ngày hội, các dịp lễ, Tết, đám cưới…

Trang phục truyền thống của phụ nữ Hmông ở xã Hòa Phong.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Hmông ở xã Hòa Phong.

Theo chị Chua, khi mới vào đây muốn có một bộ váy áo của người Hmông, chị em phải nhờ người thân mua từ ngoài quê gửi vào, với giá từ 1,5- 2 triệu đồng/bộ. Đối với những ai không có điều kiện thì chọn cách mua vật liệu, phụ kiện về tự tay làm, đây là cách được nhiều người lựa chọn vì họ có thể tự thêu thùa theo ý muốn của mình để có được một bộ trang phục vừa vặn, với hình thêu đẹp.

Dù giờ đây, người Hmông không còn trồng lanh để lấy sợi dệt vải như trước nhưng phần thêu hoa văn, đính hạt cườm, kim tuyến vào cổ áo, tay áo hay trang trí họa tiết lên mũ đội đầu, vạt áo, đai lưng, xà cạp đều làm thủ công, khâu từng đường kim mũi chỉ rất tỉ mỉ, cầu kỳ. Chính vì vậy, để làm xong một bộ trang phục hoàn chỉnh tốn khá nhiều thời gian, công sức. “Riêng may phần thô thì một bộ quần áo đã mất 2 - 3 ngày, phần thêu thì 1- 2 tuần, còn bộ nào nhiều họa tiết thì phải đến 1 tháng mới xong”, chị Chua cho biết.

 
“Những bộ trang phục dân tộc mà phụ nữ Hmông tự tay làm ra không chỉ góp phần duy trì, phát huy được những nét đẹp truyền thống của người Hmông mà còn làm đa dạng và phong phú hơn bản sắc văn hóa các dân tộc đang sinh sống tại địa phương”.
 
Ông Y Phinh Niê, cán bộ Văn hóa xã Hòa Phong

Để có được bộ váy áo đẹp và ưng ý nhất, chị Đào Thị Xía (thôn Ea Khiêm) cũng tự may thêu trang phục của mình và các thành viên trong gia đình. Chị thường tranh thủ buổi trưa, buổi tối hay những lúc nông nhàn để ngồi thêu. Chị Xía chia sẻ: “Trước khi về nhà chồng, con gái Hmông phải tự tay may cho mình một bộ váy áo xem như của hồi môn. Ngoài ra, còn phải làm 2-3 bộ váy áo đẹp để tặng cho mẹ đẻ và mẹ chồng nên ngay từ khi mới lên 9-10 tuổi, mình cũng như các bé gái đã được các mẹ, các chị dạy thêu thùa, may vá. Đây cũng được xem là thước đo sự tài năng và khéo léo của người phụ nữ Hmông”. 

Vài năm trở lại đây, việc may thêu trang phục truyền thống không chỉ để phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân mà đã trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều chị em. Như chị Hoàng Thị Dương (thôn Ea Khiêm) được biết đến là một người may thêu giỏi và có nhiều kinh nghiệm tại địa phương. Năm 2013, chị quyết định đầu tư vốn để mua vật liệu, máy móc mở tiệm may trang phục truyền thống. Ngoài bán cho người Hmông trên địa bàn huyện thì chị còn nhận các mối đặt hàng ở huyện khác như Ea Súp, M’Đrắk, hay Cư Jút (tỉnh Đắk Nông)… Bên cạnh việc may thêu, chị cũng cung cấp phụ kiện, nhận ráp hoa văn vào váy, áo cho những ai có nhu cầu. Chị Dương cho hay: “Công việc này không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định để tôi lo cho cuộc sống gia đình mà còn giúp tôi thỏa niềm đam mê thêu thùa và duy trì nét đẹp truyền thống của dân tộc mình”.

Chị Đào Thị Xía (thôn Ea Khiêm) đang chỉnh sửa lại mũ đội đầu của mình.
Chị Đào Thị Xía (thôn Ea Khiêm) đang chỉnh sửa lại mũ đội đầu của mình.

Được biết, người Hmông sinh sống trên địa bàn xã Hòa Phong chủ yếu từ tỉnh Hà Giang di cư vào từ năm 1999, tập trung tại 2 thôn Ea Khiêm và Noh Prông, với gần 400 hộ. Cùng với tiếng nói và chữ viết thì đến nay họ vẫn giữ và mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, tạo nên sắc thái riêng khó nhầm lẫn với các dân tộc khác. Trang phục của phụ nữ Hmông thường có màu sắc rực rỡ như xanh, đỏ, hồng, tím, vàng… với hoa văn chủ yếu là hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình bông hoa, chiếc lá hay tùy theo trí tưởng tượng, sáng tạo của người thêu.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.