Multimedia Đọc Báo in

Truyện cổ M'nông - những "viên ngọc quý" trong kho tàng văn học dân gian

06:24, 25/09/2020

Hơn 30 năm công tác trong ngành văn hóa của tỉnh, là người yêu thích tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm văn học dân gian, mới đây tác giả, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Minh Vũ vinh dự được Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tuyển chọn, in ấn và giới thiệu hai tập sách “Truyện cổ M’nông” (tập 1 và 2) trong Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam”.

Hai tập truyện có khổ 14,5 cm x 20,5 cm, với 768 trang in. Trong đó, tập 1 có 333 trang, 9 truyện kể, gồm: Chàng Ndăm Đông; Bu Sêm; Chàng Sêt Klang; Chàng rể và chim Klang ulok; Ép hôn; Quỷ thác; Nàng Druh Djăr Lê; Hai người bạn; Người thợ săn gặp thần cò trắng. Tập 2 có 435 trang, 13 truyện kể, gồm: M’Brah, M’Brăk và Ji Băch, Ji Bay; Chàng Nkrung và chàng Nkring; Truyền thuyết thác Liăng Jơl; Chàng Ndung Maih; Thần cá sấu bắt Ji Dơ làm vợ; Anh em Mbyôt, Mbyai; Nữ thần Blân Hiăt; Chàng Pol Teh; Chị em Măch Mai; Người thợ săn với dòng họ chim Răch; Chàng Rah Rong và nàng Ji But; N’Du Bop con của mẹ Glang; Bop về đất có người yêu.

Các tập
Các tập "Truyện cổ M'nông".

Các truyện cổ do nghệ nhân người M’nông tại các buôn làng kể lại và được Bùi Minh Vũ ghi chép, biên soạn, tập hợp thành hệ thống. Trong đó nhiều truyện nói về các vị thần, về lịch sử tộc người, các anh hùng trong truyền thuyết; đồng thời đề cập đến phong tục tập quán, mâu thuẫn, xung đột trong đời sống xã hội… Những câu chuyện trong tập sách phản ánh nhận thức quá khứ xa xưa, những quan niệm của người M’nông về vũ trụ, nhân sinh và những dấu vết hoạt động của con người trong xã hội “tiền nhà nước”. Hầu như trong các truyện kể đều ánh lên tính cộng đồng và tinh thần nhân văn cao đẹp. Đó là sự giúp đỡ, đùm bọc, yêu thương nhau giữa người với người; người mạnh bảo vệ, bênh vực kẻ yếu...

Một số truyện ca ngợi các anh hùng với tinh thần dũng cảm đánh đuổi cái ác, tạo nên những chiến công, xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc, giàu có. Đặc biệt, mô tuýp cô gái, chàng trai xấu xí ở đầu câu chuyện, trải qua thời gian vất vả bỗng trở nên xinh đẹp, giỏi giang nhờ một phép lạ nào đó và cuối cùng có cuộc sống hạnh phúc viên mãn, giàu có… xuất hiện khá nhiều trong các truyện. Một điều đáng lưu ý là các vị thần trong truyện cũng phân ra làm hai loại: thần tốt và thần xấu; từ đó cách hành xử của nhân vật trong truyện cũng tương ứng theo: Đối với thần tốt thì coi như bạn bè để đối xử, còn đối với thần xấu thì đấu tranh, đánh giết – các nhân vật chính lúc đầu sẽ có chút sợ hãi nhưng sau đó vẫn mạnh mẽ đánh đuổi thế lực tàn ác.

Nhìn chung, phần lớn những truyện kể thường có cốt truyện đơn giản, nhiều lời thoại; phần miêu tả nhân vật, sự việc có phần bóng bẩy, thậm xưng; các nhân vật có những địa bàn (địa danh) hoạt động cụ thể… Do vậy, từng truyện cổ tuy có những yếu tố hoang đường nhưng lại mang trong nó cả những yếu tố hiện thực, đề cập đến những xung đột, mâu thuẫn trong đời sống xã hội, trong sinh hoạt và trong lao động sản xuất; là tấm gương phản chiếu thế giới quan, nhân sinh quan của người M’nông xưa kia…

Để có được công trình sưu tầm đồ sộ, trân quý này, Bùi Minh Vũ đã bỏ rất nhiều công sức, tâm huyết, miệt mài với những chuyến đi điền dã, sưu tầm cùng  dày công biên soạn lại. Và gần như toàn bộ kinh phí trang trải cho hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn ông đều tự bỏ ra. Ông tâm sự: “Phải mất thời gian, tạo nên sự gần gũi, tin cậy thì mới được nghệ nhân thổ lộ tâm tình và đánh thức được vốn quý văn học dân gian đã lặn sâu trong trí nhớ người già. Những “hạt ngọc” văn học dân gian ấy cần được sàng lọc bởi nó nằm tản mác trong tâm thức từng con người cụ thể. Điều tiếc nuối lớn, đó là hiện nay những người nghệ nhân lớn tuổi đã dần đi xa về thế giới ông bà và mang theo những “hạt ngọc” vô giá ấy mà chưa kịp trao truyền lại cho con cháu...”.

Và có lẽ với Bùi Minh Vũ, việc Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tuyển chọn các tập “Truyện cổ M’nông” vào Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” đã phần nào bù đắp cho những nuối tiếc cùng nỗ lực, kiên trì, bền bỉ của ông với mong muốn góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc