Multimedia Đọc Báo in

Người nặng lòng chế tác nhạc cụ ở buôn Akô Dhông

09:40, 28/04/2021

Người dân ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã trở nên quen thuộc với hình ảnh một ông lão dáng người mảnh khảnh, hiền lành thường xuyên ngồi trước hiên nhà làm và thổi những nhạc cụ bằng tre, nứa…

Đó là nghệ nhân Y Bhiông Niê, tên thường gọi Ama Loan. Hiện ông là người cuối cùng ở trong buôn biết chế tác nhạc cụ. Một ngày được cùng già Ama Loan làm đing năm mới cảm nhận rõ sự cần mẫn, tâm huyết khi chế tác loại nhạc cụ này.

Đing năm trông rất đơn giản bao gồm một quả bầu khô và sáu thanh nứa nhỏ được gắn vào với nhau. Ama Loan kể: “Đing năm bắt nguồn từ truyền thuyết kể về cặp vợ chồng người Êđê hiếm muộn. Trong một lần nghỉ mệt và uống từng ngụm nước mát lành bên một con suối, người vợ về nhà rồi hạ sinh ba người con trai và ba người con gái đẹp như hoa pơ lang. Người chồng vui mừng lấy những ống nứa dài ngắn khác nhau để phân biệt các con và quả bầu biểu tượng cho người mẹ. Khi bố mẹ qua đời, người em út tưởng nhớ bố mẹ đã gắn sáu ống nứa vào quả bầu để tạo ra nhạc cụ đing năm. Đing theo tiếng Êđê là ông, năm chính là số 6. Từ truyền thuyết mà đing năm thường chỉ được thổi khi trong nhà có đám tang, hoặc đi làm trên rẫy…”.

Ama H'Loan kiểm tra nhạc cụ vừa chế tác.
Ama H'Loan kiểm tra nhạc cụ vừa chế tác.

Để làm được đing năm, Ama Loan chia sẻ, đầu tiên người chế tác phải lựa chọn quả bầu mà mình yêu thích. Quả bầu tươi được chọn, ngâm trong nước suối cho đến khi chỉ còn thân bầu và được làm khô bằng khói bếp thì thân bầu trở nên đen óng, bền, chắc và không sợ hư. Tiếp đó, người chế tác lựa sáu thanh nứa, dài ngắn phù hợp với thân quả bầu; trên thân cây nứa được dùi lỗ và bên trong đều có một “lưỡi gà”. Ama Loan tiết lộ: “Khó và tỉ mỉ nhất chính là làm những “lưỡi gà” để gắn vào các thanh nứa này; cái này tuy nhỏ nhưng lại là bộ phận quan trọng nhất để tạo ra những thanh âm khác nhau của cây đing năm. “Lưỡi gà” có hình chữ nhật, dài bằng một đốt ngón tay và phải làm ngay đốt mắt của thân cây tre thật già, cứng cáp. “Lưỡi gà” được người chế tác tạo thành bằng con dao nhỏ nên khi làm phải thật cẩn thận, tỉ mỉ, chỉ lệch một tí là phải bỏ…; khi gắn “lưỡi gà” vào ống nứa phải đốt mỡ bò, bôi lên lưỡi gà thật đều, nhiều hay ít tùy vào âm điệu mà người làm muốn có. Cuối cùng, để nối bầu và các thanh nứa lại với nhau, người ta dùng một loại nguyên liệu đặc biệt đó chính là sáp ong đen. Đây là sáp của loài ong thường làm tổ ở dưới đất. Bây giờ, loại sáp này quanh đây không còn nữa và để có nó, già phải nhờ người quen tìm ở huyện M’Drắk…”.

Không chỉ chế tác đing năm, nghệ nhân Ama H’Loan còn được nhiều người biết đến là người đầu tiên làm kipăh (tù và) từ gỗ xoan, hương, trắc… thay thế sừng trâu. Bên cạnh đó, ông còn am hiểu, diễn xướng nhiều loại nhạc cụ truyền thống từ tre nứa đến cồng chiêng và là một trong số nghệ nhân hiếm hoi tạo ra thanh âm chuẩn xác, giàu cảm xúc cho mỗi loại nhạc cụ làm bằng tre, trúc. Vì thế, Ama H’Loan được nhiều nơi mời về nhờ chỉnh chiêng, phục chế các bộ chiêng hỏng ở các buôn làng trong tỉnh…; cũng như tham gia trình diễn tại nhiều liên hoan, triển lãm văn hóa, nghệ thuật trong nước, quốc tế.

Năm nay, Ama H’Loan đã 82 tuổi, già trăn trở: “Già vẫn chưa truyền nghề cho tụi nhỏ được. Tìm người biết sử dụng đã khó, người biết chế tác càng khó hơn, trong khi già mỗi ngày một lớn tuổi…”.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.