Multimedia Đọc Báo in

Đã qua thời của hàng rào!

09:42, 25/05/2021

Tôi đến TP. Buôn Ma Thuột vào một ngày tháng 3-2021. Cuối mùa khô nhưng không khí vẫn mát dịu rất dễ chịu. Đó là cái dịu mát từ những vườn cây xanh trong thành phố mang lại.

So với các thành phố ở miền Trung - Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột dù đã đô thị hóa khá nhanh nhưng vẫn còn giữ được màu xanh của một thành phố miền núi, nơi mà hơn trăm năm trước chỉ có rừng cây bạt ngàn. 

Đi trên con đường Lê Duẩn rợp mát bóng cây, tôi bắt gặp một "khu rừng" có nhiều cây cổ thụ to lớn, tán lá che phủ cả một góc trời. Đó là khuôn viên Biệt điện của vua Bảo Đại, nguyên là Tòa Công sứ Đắk Lắk.

 

Khuôn viên Biệt điện Bảo Đại và Bảo tàng tỉnh bao quanh bởi hàng rào khiến sinh hoạt phục vụ  cộng đồng trở nên hạn chế hơn.   Ảnh: Đình Đối
Khuôn viên Biệt điện Bảo Đại và Bảo tàng tỉnh bao quanh bởi hàng rào khiến sinh hoạt phục vụ cộng đồng trở nên hạn chế hơn. Ảnh: Đình Đối

 

Nằm giữa rừng cổ thụ ấy là tòa biệt điện được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp ở Đông Dương hòa hợp kiểu kiến trúc nhà dài của người Êđê bản xứ. Ngoài ra còn có một khu nhà mới xây của Bảo tàng Đắk Lắk cũng là kiểu kiến trúc mô phỏng ngôi nhà dài Êđê được thiết kế theo lối hiện đại với những sáng tạo rất độc đáo. Một không gian hòa quyện của truyền thống và hiện đại, có lẽ là không gian văn hóa đặc sắc nhất của TP. Buôn Ma Thuột!

Vì lẽ đó, tôi phải dừng lại để ngắm khu rừng cổ thụ xanh dạt dào giữa phố xá đông đúc ấy. Nhưng cái nhìn của tôi đã vấp phải dãy hàng rào sắt cứng ngắt bao quanh. Tôi đưa máy ảnh lên và cảm thấy tiếc nuối cho không gian xanh tươi đã bị chia cắt bởi cái hàng rào sắt lạnh lùng, vô cảm ấy. Nếu không có cái hàng rào này thì khu vườn rừng với những ngôi nhà tuyệt đẹp ấy sẽ quyến rũ biết bao.

Những ngày sau đó, tôi đi quanh phố núi này và nhận thấy không chỉ khu lâm viên - biệt điện - bảo tàng mà còn có một số công trình công cộng khác (như công viên Buôn Ma Thuột, Nhà văn hóa Lao động) dọc đường Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Chí Thanh đều bị “bao vây” bởi những hàng rào sắt thép lạnh lùng. Cái hàng rào sắt nhọn quen thuộc mà chúng ta có thể bắt gặp ở khắp các công viên phố thị từ Bắc vào Nam, đến tận thị tứ, thị trấn vùng huyện hẻo lánh đều có. Quen đến mức xem như sự tồn tại của nó là tất nhiên. Cái hàng rào đó ra đời từ lâu lắm rồi, với chức năng bảo vệ cho các công viên, cơ quan, công sở... nhưng liệu có bảo vệ được không?

Công bằng mà nói thì ban đầu cái hàng rào ấy cũng ngăn được một số người quen thói xem công - lâm viên như là “khu vệ sinh công cộng”, hoặc như sân sau nhà mình. Nhưng một thời gian sau, cái hàng rào ấy không còn bảo vệ cho sự sạch sẽ, trong lành của các công viên được nữa. Thậm chí, chính cái hàng rào ngăn cách ấy đã khiến công - lâm viên thành chốn không người. Không gian công cộng lẽ ra phải đông đúc người đến nghỉ ngơi, vui chơi  đã trở thành nơi hoang vắng, để cho mọi người tha hồ xả rác, phóng uế, cờ bạc, mại dâm... Từ thực tế ấy ai cũng nhận ra “chức năng” của cái hàng rào xem ra không còn phù hợp nữa, nếu cố giữ lại sẽ phản tác dụng. Vì vậy, gần đây một vài thành phố đã bắt tay tháo dỡ.

Ba năm trước, chính quyền TP. Huế đã cho tháo dỡ toàn bộ hàng rào của các công viên hai bờ sông Hương. Nhiều người dân thành phố đã trầm trồ trước một không gian xanh tươi và thơ mộng hiện ra, như thể lần đầu tiên họ được thấy. Người ta lại kéo nhau đến công viên vui chơi và không còn ai dám xả rác, phóng uế một cách ngang nhiên như trước nữa. Không còn những đám thanh niên trải chiếu ăn nhậu hoặc bài bạc trong công viên. Buổi tối đèn sáng trưng, người dân và cả du khách vào công viên vui chơi đông đúc, nên cái cảnh mua bán thân xác trong công viên cũng không còn thấy.

Mới đây, chính quyền thành phố Huế tiếp tục vận động các bảo tàng, công sở nằm dọc theo con đường Lê Lợi ven sông Hương tháo dỡ toàn bộ hàng rào cơ quan, để không gian từ đường phố xuống bờ sông không còn ngăn cách. Toàn bộ dải đất ven sông là một không gian rộng mở chứ không phải là những mảnh trời riêng của mỗi nhà, mỗi sở.

Ban đầu các cơ quan, công sở cũng băn khoăn, nghi ngại rằng bỏ hàng rào đi thì làm sao mà bảo vệ tài sản chung được, nhất là những nơi trưng bày, giới thiệu những hiện vật quý giá? Câu hỏi đó cần đặt ra nhưng chỉ cần thiết vào những năm trước đây, khi mà cách bảo vệ bằng cái hàng rào là hữu hiệu nhất. Còn bây giờ đã là thời của công nghệ, thời của những thiết bị an ninh hiện đại với hệ thống khóa cửa thông minh, camera giám sát, đèn cảm ứng, thiết bị nhận dạng tiếng động, cảm biến chống trộm... sẽ làm thay nhiệm vụ cho những cái hàng rào vô cảm kia. Vậy nên, đến lúc những cái hàng rào làm ngăn cách không gian đô thị hiện nay cũng sẽ phải tháo dỡ, nhanh hay chậm mà thôi, vì thời của hàng rào đã qua!

Minh Tự    


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.