Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch có liên quan đến du lịch: Cần được quan tâm đúng mức

09:28, 25/11/2016

Một khi du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk hiện nay và những năm tiếp theo, thì vấn đề quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch có liên quan đến du lịch phải được quan tâm đúng mức, để từ đó tạo cơ sở vững chắc, khoa học phục vụ lộ trình phát triển ngành “công nghiệp không khói” hiệu quả và bền vững.

Tuy nhiên đến nay, việc thực thi vấn đề này nhìn chung trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất hạn chế. Qua khảo sát, đánh giá mới đây của Sở Xây dựng - đơn vị quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng cho thấy việc triển khai công tác quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch có liên quan đến du lịch trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, như kế hoạch triển khai lập quy hoạch còn chưa xác định được thứ tự ưu tiên và tính chất của từng loại đồ án quy hoạch, nên chưa đảm bảo được tiến độ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tính riêng trong 3 năm (2014-2016), có hàng chục dự án quy hoạch xây dựng có liên quan đến du lịch chưa được thẩm định vì lý do trên.

Một chuyên viên thẩm định của Sở Xây dựng Đắk Lắk cho biết, ai cũng làm quy hoạch và thậm chí “đua nhau” để được thẩm định mà quên mất một điều là tính chất của từng đồ án quy hoạch đòi hỏi mức độ thỏa mãn khác nhau, không có “mẫu số chung” nào cả, người làm quy hoạch phải nắm rõ yêu cầu, trình tự pháp lý (của từng địa phương) quy định. Điều đó là bắt buộc, vì trên cơ sở ấy cấp thẩm quyền, các cơ quan chức năng mới quản lý việc thực hiện đầu tư, xây dựng dự án một cách có hiệu quả, thế nhưng ở Đắk Lắk, thì đây là lỗ hổng chưa khắc phục được.      

Điều đáng nói hơn là chất lượng của các đồ án quy hoạch còn thấp, đưa ra các giải pháp quy hoạch có tính chất chung chung (áp dụng cho “cái này” cũng được, hoặc “cái kia” cũng không sao) dẫn đến tình trạng phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhiều lần, kém hiệu quả và thậm chí không khả thi. Sở Xây dựng đã chỉ ra những yếu kém đó tại một số đồ án được quy hoạch xây dựng gần đây như Khu dịch vụ Thể dục-Thể thao buôn Akô Dhông (tỷ lệ 1/500), Khu du lịch sinh thái hồ Ea Bông-Cư Kuin (tỷ lệ 1/2000), Cụm sinh thái 3 điểm - Khu du lịch dọc sông Sêrêpốk-Buôn Đôn (tỷ lệ 1/500), hay Trung tâm Bảo tồn Voi tại Buôn Đôn (tỷ lệ 1/2000). Tất cả những đồ án quy hoạch xây dựng này “na ná” giống nhau về số liệu, thông tin đánh giá, dự báo khả năng khai thác và sử dụng, nếu không nói đó là “phiên bản” được người làm quy hoạch lấy từ những đồ án có trước từ một tỉnh, thành nào đó trong nước đem về “áp” vào một cách khiên cưỡng. Chẳng hạn nhìn đồ án quy hoạch xây dựng Khu du lịch dọc sông Sêrêpốk-Buôn Đôn thấy không khác mấy với các khu du lịch ở vùng sông nước miền Tây, hay vùng ven đô TP. Hồ Chí Minh. Còn Khu dịch vụ Thể dục-Thể thao buôn Akô Dhông, Khu du lịch sinh thái hồ Ea Bông-Cư Kuin thì cũng theo motip Khu du lịch Đồng Xanh - Gia Lai, hay những khu du lịch sinh thái ở Hội An, Tam Kỳ - Quảng Nam…

Vì sao như thế? Một chuyên viên thẩm định của Sở Xây dựng cho rằng, khi làm quy hoạch xây dựng, đặc biệt là tính chất quy hoạch ấy có liên quan đến du lịch, các đơn vị tư vấn được mời tham gia đã không làm việc một cách nghiêm túc, hết mình. Nhân sự tham gia làm quy hoạch (thường là người có uy tín về chuyên môn, năng lực) cũng chỉ đứng tên cho có, chứ ít khi (thậm chí không có mặt) trong quá trình lập quy hoạch - và chính những hạn chế đó đã dẫn đến tình trạng trên.

Để sớm chấn chỉnh tình trạng này, cấp thẩm quyền, các cơ quan chức năng cần đặt mối quan tâm đến vấn đề quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch có liên quan đến du lịch nhiều hơn nữa nhằm tạo tiền đề, đồng thời là động lực giúp ngành du lịch Đắk Lắk phát triển.       

“Chất lượng của các đồ án quy hoạch còn thấp, tính lý luận, khoa học trong quy hoạch không nhiều, các nội dung nghiên cứu, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển, khả năng khai thác, sử dụng hợp lý… còn quá sơ sài. Số liệu và thông tin thực trạng chủ yếu mang tính chất thống kê, thiếu phân tích, đánh giá hoặc dự báo không chính xác”

(Theo báo cáo giám sát của Sở Xây dựng) 

 

Phương Đình

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.