Multimedia Đọc Báo in

Tìm về Khương Mỹ tháp xưa…

15:47, 27/08/2017

Nếu có dịp về Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), bạn hãy một lần đến thăm cụm tháp Chăm Khương Mỹ.

Di tích tháp Khương Mỹ là công trình kiến trúc nghệ thuật tuyệt đẹp mà người Chăm xưa để lại. Tháp tọa lạc trên một gò thấp thuộc thôn 4, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Dọc Quốc lộ 1A theo hướng Bắc Nam, khi đến cầu Ốc (cầu có vòng xoáy hình trôn ốc ở thành phố Tam Kỳ), nhìn về phía Tây, bạn sẽ thấy thấp thoáng ba ngọn tháp Khương Mỹ cổ kính rêu phong.

Cụm tháp nằm trên làng Khương Mỹ xưa nên có tên Khương Mỹ. Vì có ba ngọn tháp đứng song song theo trục bắc - nam nên tháp còn có tên gọi tháp Ba. Theo các nhà nghiên cứu, tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 9 - đầu thế kỷ 10. So với nhiều tháp Chăm trên cả nước, hiện nay, tháp Khương Mỹ còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, với vẻ đẹp thách thức thời gian, hầu như chưa từng bị bàn tay con người đụng chạm hay sửa sang.

Về kiến trúc, cụm tháp Khương Mỹ gồm 3 tháp được xếp song song, tháp Bắc nhỏ nhất, tháp Nam lớn nhất. Mỗi tháp đều có mặt bằng gần vuông, cửa ra vào quay về hướng Đông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên mô phỏng hình ảnh tầng dưới, tầng trên cùng có chóp bằng đá sa thạch. Mỗi tháp có một cửa ra vào và 5 cửa giả. Vòm trên của các cửa uốn hình vòng cung, trang trí bằng hoa văn hình ảnh hoa cỏ cách điệu, phần đỉnh của mỗi vòm cuốn là tổ hợp các cành lá uốn thành hình lá đề. Ở mỗi tháp, trên từng mặt thân tháp đều có 5 trụ đá ốp tường trang trí hoa văn thảo mộc cùng nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đất nung, đá sa thạch có hình chim thần Garuda, rắn Naga, khỉ, người cưỡi voi, cưỡi ngựa… Đặc biệt, các hoa văn trang trí trên tháp rất tinh xảo và hầu hết đều còn khá nguyên vẹn, bất chấp sự tàn phá của thời gian.

Cụm tháp Khương Mỹ.
Cụm tháp Khương Mỹ.

Năm 1918, tại tháp Khương Mỹ, các nhà khảo cổ học người Pháp tìm thấy một thành bậc cấp bằng đá sa thạch chạm cảnh hai người đang đấu vật, trong đó, gương mặt của người bên phải rất dữ tợn, miệng có răng nanh. Có lẽ, đây là hình ảnh trích đoạn cảnh hoàng tử Rama chiến đấu với quỷ vương Ravana trong trường ca “Ramayana”. Cùng với việc tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc liên quan đến thần Vishnu (nhưng lại vắng hai thần Brahma và Siva), nhiều nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng tháp là một khu đền thờ thần Vishnu của người Chăm xưa. Tháp Khương Mỹ thuộc phong cách riêng không có trường hợp lặp lại: Phong cách Khương Mỹ đầu thế kỷ 10, là sự chuyển tiếp giữa phong cách Đồng Dương mạnh mẽ, dữ dội sang phong cách Trà Kiệu trang nhã, nhẹ nhàng.

Cụm tháp Khương Mỹ hiện đang có dấu hiệu xuống cấp. Số lượng hiện vật ở di tích cụm tháp Khương Mỹ không còn nhiều (phần lớn đã được đưa về trưng bày ở Bảo tàng điêu khắc Chămpa - Đà Nẵng, một tượng thần Vishnu bốn tay phát hiện ở tháp hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP. Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, chỉ với sự hài hòa trong kiến trúc và tinh xảo trong hoa văn trang trí, tháp Khương Mỹ vẫn khiến bạn phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thâm trầm, ngạo nghễ của mình. Tháp được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1989.

Ghé thăm di tích tháp Khương Mỹ, đứng dưới chân những ngọn tháp trên dưới một nghìn năm tuổi, chiêm ngưỡng công trình tuyệt đẹp từ bàn tay tài hoa của người Chăm xưa, lắng lòng trước bước đi của lịch sử với bao tang thương dâu bể, chắc hẳn bạn sẽ nhận ra điều gì đó cho riêng mình…

Phạm Tuấn Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.