Multimedia Đọc Báo in

Lương hưu – điểm tựa khi tuổi già

08:24, 09/06/2023

Hưu trí là một trong những chế độ quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, người dân khi về già.

Thời gian qua, việc đảm bảo các chế độ, quyền lợi của người tham gia BHXH luôn được BHXH tỉnh đặt lên hàng đầu. Trong đó, lương hưu được giải quyết và chi trả kịp thời, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng có thể nhận lương hưu hằng tháng bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng. Cùng với đó, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người hưởng lương hưu cũng được thực hiện đầy đủ, đảm bảo kịp thời.

Ông Ksơr Y Nai (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) chia sẻ: "Về hưu đã được 13 năm nhưng đến nay cuộc sống của tôi khá thoải mái, không phải lo lắng về chi phí sinh hoạt hay ăn uống nhờ có lương hưu hằng tháng. Càng lớn tuổi tôi càng thấy giá trị của lương hưu, bởi về già chỉ quanh quẩn ở nhà, sức khỏe cũng giảm sút, hay ốm đau, nhờ có lương hưu và được cấp thẻ BHYT nên không phải lo lắng về chi phí khám, điều trị bệnh". Tương tự, ông Ngô Xuân Thanh (70 tuổi, xã Ea H'mlay, huyện M’Drắk) bị viêm phế quản tắc nghẽn mãn tính nên phải thường xuyên nằm viện điều trị. Vốn là quân nhân nghỉ hưu nên ông Thanh hằng tháng đều nhận được lương hưu và được cấp thẻ BHYT, do đó đỡ gánh nặng về kinh tế cho gia đình.

Cán bộ BHXH huyện Ea H'leo phối hợp với ông KSơr Y Nai (bìa phải) đến nhà người dân vận động tham gia BHXH tự nguyện.

Thực tế cho thấy, với những người hết độ tuổi lao động, đặc biệt là người già hay ốm đau, bệnh tật phải điều trị dài ngày thì lương hưu là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình họ. Hiểu rõ mục đích và lợi ích của chính sách này, thời gian qua, BHXH tỉnh và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện vì sẽ được hưởng quyền lợi về lương hưu và BHYT như người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Hơn thế nữa, mức lương hưu liên tục được nâng lên trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế; đồng thời còn được cấp thẻ BHYT (trong suốt thời gian hưởng lương hưu) với mức hưởng lên đến 95% khi đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, cao hơn mức hưởng 80% của người tham gia BHYT theo hộ gia đình đang được áp dụng theo luật định.

Nhận thức được điều này, ông Y Phương Niê Kdăm (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) từng tham gia công tác chính quyền ở địa phương  và được đóng BHXH từ năm 1986 đến 1999, đến khi nghỉ việc chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu nhưng ông vẫn không rút. Đến đầu năm 2023, khi kinh tế gia đình đã ổn định cũng như đủ độ tuổi để hưởng lương hưu, ông Y Phương đã quyết định đóng thêm số tiền hơn 40 triệu đồng để được nhận lương hưu. Ông tâm sự: Khi được giải thích quyền lợi của việc tiếp tục đóng đủ số năm tham gia BHXH để đủ điều kiện nhận lương hưu hằng tháng, ông đã không ngần ngại tham gia bởi từ nay về sau, hằng tháng ông đều có lương hưu, được cấp thẻ BHYT. Với những người sống nhờ vào canh tác nương rẫy, thu nhập khá bấp bênh, dù số tiền hơn 40 triệu đồng rất lớn nhưng gia đình, người thân cũng đồng tình và ủng hộ ông tham gia để được nhận lương hưu, mong yên tâm hơn lúc về già.

Ông Y Phương Niê Kdăm tìm hiểu về chính sách khi tham gia BHXH.

Có thể nói, thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là khoản tích lũy của bản thân khi còn sức khỏe, còn thu nhập để dành khi về già. Người lao động có lương hưu đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, giúp họ tự chủ, ổn định hơn trong cuộc sống của mình, không phải lệ thuộc vào gia đình, xã hội. Mặc dù có nhiều lợi ích thiết thực như vậy, nhưng hiện nay không ít người vẫn quyết định nhận BHXH một lần sau khi nghỉ việc thay vì tiếp tục tham gia hoặc tạm thời ngưng đóng để tiếp tục tham gia khi có điều kiện nhằm hưởng lương hưu. Do đó, ngành BHXH cùng với chính quyền các cấp, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân. Từ đó, phát triển đối tượng tham gia BHXH cũng như giảm thiểu đến mức có thể số người lao động, người dân rút hay nhận BHXH một lần.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.