Multimedia Đọc Báo in

Chủ động kéo giảm nợ đọng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

10:47, 18/11/2023

Thời gian qua, tình trạng các doanh nghiệp chậm nộp, trốn tránh hoặc trì hoãn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) cho người lao động không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn quỹ BHXH, BHYT mà còn ảnh hưởng đến các chế độ chính sách đối với người lao động.  

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 10/2023, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh là 268,217 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,16%, số tiền chậm đóng phải tính lãi là 108,503 tỷ đồng, chiếm 2,90%. Tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng, tham gia không đúng mức đóng, tham gia không đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Cán bộ BHXH huyện Ea Kar làm việc với Công ty TNHH Môi trường đô thị Ea Kar đôn đốc, nhắc nhở việc đóng BHXH cho người lao động. Ảnh: Nguyễn Xuân
Cán bộ BHXH huyện Ea Kar làm việc với Công ty TNHH Môi trường đô thị Ea Kar đôn đốc việc đóng BHXH cho người lao động. Ảnh: N. Xuân

Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Tạ Đức Hậu cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN là do nhiều đơn vị, doanh nghiệp bị tác động nặng nề sau đại dịch COVID-19, chưa thể phục hồi sản xuất, kinh doanh; kinh tế thế giới suy thoái tác động giá nguyên liệu đầu vào tăng; một số doanh nghiệp trên thực tế đã dừng hoạt động, chỉ hoạt động cầm chừng không có khả năng thanh toán nợ BHXH, BHYT, BHTN. Cùng với đó, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của một số đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT, BHTN chưa đầy đủ…

Với mục tiêu kéo giảm nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh, thời gian qua, BHXH tỉnh, huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để thông tin đến người lao động và người sử dụng lao động những điểm mới trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung và lấy ý kiến đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động vào dự thảo Luật BHXH sửa đổi; bố trí cán bộ chuyên quản tăng cường nắm tình hình doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, đôn đốc thu hồi nợ; gửi danh sách các đơn vị chậm đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên cho các sở, ban, ngành liên quan để phối hợp thu hồi nợ.

Đồng thời lập danh sách những doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài có tính chất “chây ỳ” để đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đơn cử như đầu tháng 11 vừa qua, BHXH tỉnh đã công khai danh sách 294 đơn vị nợ BHXH, BHYT kéo dài trên phương tiện thông tin đại chúng. Đứng đầu danh sách này là Công ty Cổ phần đường bộ Đắk Lắk với số tiền nợ gần 6,5 tỷ đồng, thời gian nợ 46 tháng, ảnh hưởng trực tiếp đến 88 lao động; Công ty Cổ phần chế biến gỗ cao su Đắk lắk có số tiền nợ gần 3 tỷ đồng, thời gian nợ 17 tháng, ảnh hưởng đến 12 lao động; Công ty Cổ phần xây dựng điện VNECO 8 nợ số tiền gần 2,7 tỷ đồng, thời gian nợ 28 tháng, ảnh hưởng đến 38 lao động; Công ty TNHH Đại Đồng nợ trên 2 tỷ đồng, thời gian nợ 46 tháng, ảnh hưởng đến 29 lao động…

Đại lý thu BHXH, BHYT tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến người dân trên địa bàn. Ảnh: K.Oanh
Đại lý thu BHXH, BHYT tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến người dân trên địa bàn. Ảnh: K.Oanh

Cùng với đó, BHXH tỉnh cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, đóng không đủ số người so với thực tế, ảnh hưởng quyền lợi của người lao động. Chỉ tính riêng 10 tháng của năm 2023, BHXH tỉnh đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 305 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về thực hiện chế độ pháp luật BHXH, trong đó thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 56 đơn vị và thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch tại 248 đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 84 trường hợp chưa đóng, đóng thiếu thời gian, thiếu mức quy định tham gia với số tiền truy đóng phát hiện và thu hồi trên 53 triệu đồng; các đơn vị khắc phục tiền nợ đọng BHXH, BHYT, BHTV trong thời gian thanh tra kiểm tra trên 1,3 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Tạ Đức Hậu cho biết thêm, để công tác thu hồi và xử lý nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đạt hiệu quả cao hơn, BHXH tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN cũng như thông tin về danh sách các đơn vị nợ đọng trên phương tiện thông tin đại chúng; tập trung thu hồi nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, nhất là tại các đơn vị nợ trên 3 tháng; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng, hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHYT cho người lao động. Đồng thời tiếp tục thực hiện quy chế, chương trình phối hợp với Cục Thuế, Liên đoàn Lao động, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh để thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, thu hồi, khởi kiện, xử lý hình sự đối với các đơn vị nợ BHXH, đồng thời phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

Kim Oanh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.