Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm không quên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

10:07, 01/08/2021

Đã gần 70 năm trôi qua, nhưng những ngày tháng rực lửa, kề vai sát cánh cùng đồng đội, chiến đấu không lùi bước trên chiến trường Điện Biên Phủ vẫn còn in đậm trong tâm trí của ông Nguyễn Xuân Toản (SN 1926, ở tổ dân phố 12, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).

Sinh ra và lớn lên ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, ông Toản tham gia cách mạng khi mới 20 tuổi với vai trò thanh niên du kích hoạt động tại địa phương. Ngày 10-7-1949, ông vinh dự được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, đến tháng 11-1949 thì xung phong nhập ngũ. Ðầu năm 1952, ông Toản được bổ sung vào lực lượng bộ đội chủ lực, tham gia huấn luyện tại Trung đoàn pháo cao xạ 367 và được cử đi Trung Quốc học để chuẩn bị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuối năm 1953, Trung đoàn 367 được lệnh hành quân lên Lai Châu. Những người lính Cụ Hồ ngày ấy tuổi mới ngoài đôi mươi, đến với chảo lửa Điện Biên bằng trái tim sắt son với Đảng, quyết hy sinh xương máu để giành độc lập dân tộc.

Ông Nguyễn Xuân Toản ôn lại kỷ niệm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cùng thành viên hội Cựu chiến binh phường Tân An.

Ông Toản nhớ lại: Hành quân đến nơi, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa. Pháo vừa kéo vào đến nơi thì lại nhận được lệnh phải kéo pháo ra. Kéo pháo vào đã vất vả, kéo ra còn gian khổ, hiểm nguy gấp bội bởi lúc này địch đã phát hiện ra đường hành quân của ta. Lúc đó, những khẩu hiệu “Còn một người, còn một khẩu pháo, còn một viên đạn còn chiến đấu”, “Thà chết chứ nhất định không chịu rời mâm pháo”... đã trở thành quyết tâm sắt đá của toàn đơn vị.

Ngày ấy, vì bí mật quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc tại hầm chỉ huy nên rất ít khi xuất hiện. Nhưng mỗi lần được Tổng Tư lệnh đến thăm hỏi, động viên, bộ đội ta vui mừng lắm, ai cũng vỗ tay reo hò. Còn về chuyện liên tục di chuyển pháo, mãi sau này khi được chỉ huy thuật lại, ông Toản cùng đồng đội mới vỡ lẽ, chính Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã chuyển từ chiến lược “Ðánh nhanh thắng nhanh” sang thành “Ðánh chắc, tiến chắc”. Chính cách thay đổi chiến lược, sáng suốt ấy đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ông Toản kể: Trên chiến hào chiến đấu cùng đồng đội năm ấy, cũng vì “hăng” ngắm bắn quá, ông bị một mảnh đạn găm trúng ngực trong lúc đang chiến đấu mà không biết. Mảnh đạn chỉ cách tim vài phân, máu chảy đẫm ngực áo. Mãi đến khi đồng đội hô hào đưa ông đi băng bó, ông mới biết mình đã bị thương. "Cũng bởi sự cố đó mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy tiếc, bởi lúc bị trúng đạn đến khi quân ta giải phóng Điện Biên Phủ chỉ cách vài ngày. Thời điểm địch kéo cờ trắng đầu hàng, tôi không được tận mắt chứng kiến... Đến khi loa phát thanh truyền tin quân ta dành chiến thắng, tôi và các thương binh, bác sĩ, y tá trong trạm quân y đã ôm chầm lấy nhau khóc vì vui sướng", ông Toản bồi hồi nhớ lại.

Ông Nguyễn Xuân Toản (ngồi giữa) cùng cựu chiến binh tỉnh Đắk Lắk vinh dự được đến thăm và trò chuyện cùng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chiến dịch Ðiện Biên Phủ kết thúc, Trung đoàn của ông tiếp tục tiến quân về tiếp quản Thủ đô Hà Nội và tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1968, do vết thương tái phát, sức khỏe suy yếu, ông Toản được điều động đến Sơn La để tham gia công tác chính quyền. Năm 1979, ông được biệt phái vào Đắk Lắk và giữ chức Phó Ban Thi đua tỉnh đến khi về hưu năm 1987.

Những tưởng năm tháng kề vai sát cánh chiến đấu cùng đồng đội ở chiến trường Điện Biên Phủ sẽ chỉ còn trong ký ức. Thế nhưng cơ duyên đã đến với ông khi nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2004), ông Toản vinh dự là một trong những cựu chiến binh của tỉnh được mời về thăm lại chiến trường xưa. Cũng trong chuyến đi ấy, ông đã may mắn được về Hà Nội, đến thăm nhà và trò truyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Năm đó, Đại tướng tuổi đã ngoài 90 nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Khi gặp đoàn cựu chiến binh tỉnh Đắk Lắk, Đại tướng hỏi: Trong này có ai ở pháo cao xạ không? Tôi liền đáp: "Báo cáo Đại tướng: Tôi!". Biết chúng tôi vượt hàng nghìn cây số để thăm lại chiến trường, vị Tổng tư lệnh ân cần hỏi han và động viên chúng tôi rất nhiều. Lúc tiễn đoàn ra về, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn dặn: “Các chú phải sống khỏe, sống lâu như Bác, xứng danh người chiến sĩ Điện Biên, người lính Cụ Hồ”. Lúc ấy, ai cũng rưng rưng vì xúc động”- ông Toản hồi tưởng.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.