Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch số 41-KH/TU về việc thực hiện Kết luận số 13-KL/TW, ngày 16-8-2021 của Bộ Chính trị về việc thực hiện Chỉ thị số 48 CT/TW, ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới”.
Theo đó, Ban Thường vụ yêu cầu nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm gắn với thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Gắn việc thực hiện Kết luận số 13-KL/TW với thực hiện Chỉ thị số 46 CT/TW, ngày 25-6-2015 của Bộ Chính trị (khoá XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình phòng, chống tội phạm; Chương trình phòng, chống ma túy; Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình mục tiêu khác của tỉnh.
Cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh tuyên truyền phòng, chống ma túy cho đoàn viên, thanh niên. Ảnh: V.Anh |
Làm tốt công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình tình, chủ động xây dựng và thực hiện các phương án, kế hoạch phòng, chống tội phạm phù hợp với thực tiễn gắn với phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Quan tâm, có chính sách động viên người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh, trật tự hoạt động hiệu quả.
Đấu tranh mạnh mẽ, phản bác những quan điểm, tư tưởng sai trái, luận điệu xuyên tạc, thông tin không đúng sự thật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người phát hiện, tố cáo hành vi phạm tội, nhất là tố cáo hành vi tham nhũng. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và an ninh, trật tự.
Tiếp tục kiện toàn cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm theo hướng tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả thực chất. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm; kết hợp chặt chẽ giữa cải cách tư pháp với cải cách hành chính. Nghiên cứu và ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu, thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, duy trì và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác với tỉnh Mondulkiri - Campuchia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm theo các thỏa thuận hợp tác đã ký kết…
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc