Ngày 28-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến đối với Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 28-10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến đối với Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm 98 điều (giảm 5 điều so với Luật hiện hành), giữ nguyên bố cục gồm 8 chương như Luật hiện hành, sửa đổi, điều chỉnh 94 điều với 4 nhóm nội dung lớn phù hợp với 4 nhóm chính sách trong dự thảo.
Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng...
Các vị ĐBQH tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Phát biểu tại hội trường Diên Hồng, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đề nghị đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu điều chỉnh quy định tiêu chuẩn về “đơn vị quyết thắng” khi phải có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao là chưa phù hợp và thực chất với thực tế. Bởi tính riêng với lực lượng vũ trang khi có quân số đông, nhiều đơn vị có hàng trăm hoặc hàng ngàn chiến sỹ, việc phải đảm bảo 100% cán bộ, chiến sỹ hoàn thành nhiệm vụ được giao là không khả thi. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng đề nghị việc tặng thưởng Huân chương Quân công phải thêm tiêu chuẩn “có bề dày thành tích” và có phạm vi ảnh hưởng là nêu gương trong toàn quốc; cần giữ lại danh hiệu “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, không nên đổi thành “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”…
Các đại biểu cũng đã thảo luận, góp ý tập trung vào những nội dung như: cần quan tâm khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là đối với trường hợp xét khen thưởng đột xuất; quan tâm khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng; nghiên cứu, rà soát các quy định về tiêu chuẩn khen thưởng để hạn chế tối đa tình trạng “cộng dồn thành tích”, “nuôi khen thưởng”, để công tác khen thưởng đi vào thực chất, tạo động lực động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể thi đua, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân đóng góp ý kiến tại hội trường Diên Hồng. (Ảnh chụp qua màn hình). |
Trong phiên làm việc buổi chiều đã có 23 ý kiến phát biểu, 1 ý kiến tranh luận của các vị ĐBQH đối với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tập trung vào những nội dung, như: cần bổ sung quan điểm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh vào mục tiêu và sự cần thiết sửa đổi luật để đảm bảo sự thống nhất, thông suốt quan điểm; cơ quan soạn thảo cần tiến hành thu thập thông tin và phân tích kỹ các số liệu để có thể đưa ra các quy định cụ thể về chính sách ưu đãi sản xuất phim cả về nội dung và thủ tục áp dụng ưu đãi; có chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động điện ảnh và hạn chế các thủ tục rườm rà, không rõ ràng, gây cản trở lớn cho hoạt động điện ảnh; quy định cụ thể thẩm quyền cấp phép và phân loại phim; cần nghiên cứ kỹ lưỡng việc điều chỉnh chính sách đặt hàng sản xuất phim…
Ngày mai (29-10), buổi sáng Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Buổi chiều, Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về: dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc