Multimedia Đọc Báo in

Đảng bộ xã Cư Pui: Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với các nghị quyết cụ thể, thiết thực

07:09, 05/11/2021

Xác định việc sinh hoạt chi bộ ở các thôn, buôn người dân tộc thiểu số (DTTS) còn nhiều hạn chế dẫn đến việc xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết còn nhiều khó khăn, những năm gần đây, Đảng ủy xã Cư Pui (huyện Krông Bông) chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với “định lượng” hiệu quả của việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết.

Sau 2 năm thực hiện, chất lượng sinh hoạt chi bộ đã được nâng lên, hiệu quả triển khai các nghị quyết cũng đã được nâng cao rõ rệt.

Xã Cư Pui có 13 chi bộ thôn, buôn trực thuộc Đảng ủy xã. Ngoài đồng chí đảng ủy viên được phân công phụ trách chi bộ từ đầu nhiệm kỳ thì các đồng chí bí thư, phó bí thư đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Đảng ủy xã thường tham dự các cuộc họp chi bộ để hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” từ việc thiết lập hồ sơ, các bước tổ chức buổi sinh hoạt đến xây dựng nghị quyết. Dần dần, việc sinh hoạt chi bộ đã nâng cao chất lượng rõ rệt, có trọng tâm hơn, chủ yếu tập trung thảo luận, bàn bạc những vấn đề cốt lõi, cấp bách, thiết thực của thực tế địa phương, từ đó đưa ra những giải pháp thực hiện rõ ràng, khả thi.

Đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy Cư Pui (thứ hai từ trái sang) tham dự cuộc họp chi bộ (mở rộng) tại thôn Ea Rớt.

Đồng chí Y Kho Niê, Bí thư Chi bộ buôn Đắk Tuôr chia sẻ: “Nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy cùng với sự thống nhất, đồng thuận của chi ủy, ban tự quản, các đoàn thể mà trong 2 năm vừa qua, buôn Đắk Tuôr đã có những chuyển biến tích cực, nhiều vấn đề khó khăn đã có giải pháp giải quyết. Hệ thống thủy lợi đã được xây dựng, nâng cấp; diện tích lúa nước của buôn được mở rộng hơn 7 ha từ việc cải tạo, chuyển đổi đất trồng các loại cây kém hiệu quả. Buôn cũng đã khôi phục được nghề dệt truyền thống với 15 phụ nữ tham gia; xây dựng đường hoa vào Khu tưởng niệm Anh hùng Y Ơn Niê…”.

Đảng ủy xã Cư Pui đang nhân rộng mô hình người đứng đầu chi bộ, ban tự quản, chi hội thôn, buôn gương mẫu, đi đầu trong công tác xã hội, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, hiến đất làm đường giao thông; cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tấm gương Bác...

Hay Chi bộ buôn Khanh trong các buổi sinh hoạt định kỳ thường bàn giải pháp nâng cao đời sống mọi mặt của người dân trong buôn. Việc xây dựng nghị quyết của chi bộ luôn dựa vào tình hình thực tế, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của buôn. Việc sinh hoạt chi bộ tương đối thuận lợi vì có đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cùng sinh hoạt; các đồng chí trong ban tự quản, cán bộ phụ trách các chi hội, đoàn thể đều là đảng viên. Trong sinh hoạt, chi bộ luôn dành nhiều thời gian bàn sâu những vấn đề cốt lõi, trọng tâm, thấu đáo, không dàn trải. Những vấn đề đưa ra bàn bạc thường nhận được sự đồng thuận cao nên việc triển khai thực hiện mang lại hiệu quả.

Nhờ vậy, thời gian qua, buôn Khanh đã có những bước chuyển rõ rệt và trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của xã Cư Pui. Một số kết quả đáng kể như: buôn Khanh đã xây dựng công trình điện hạ thế phục vụ tưới tiêu cho 35 ha cà phê và hàng chục héc ta cây trồng khác của 80 hộ trong buôn, trị giá 400 triệu đồng (trong đó người dân đóng góp gần 100 triệu đồng); xây dựng đường điện chiếu sáng kinh phí hơn 100 triệu đồng (người dân đóng góp hơn 60 triệu đồng); giảm được 20 hộ nghèo năm 2020; người dân trong buôn đã hiến 1.207 m2 đất làm đường giao thông…

Đặc biệt, thực hiện nghị quyết của Chi bộ buôn về chuyển đổi, thay thế một số cây trồng kém hiệu quả, có 7 hộ dân trong buôn vừa tiên phong chuyển đổi thành công gần 10 ha ngô lai kém hiệu quả sang trồng cây thuốc lá đem lại lợi nhuận cao.

Việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở buôn Đắk Tuôr đưa vào Nghị quyết của chi bộ và đã thực hiện thành công.

Đối với những chi bộ ít đảng viên, Đảng ủy xã khuyến khích thường xuyên tổ chức họp chi bộ mở rộng, mời đầy đủ thành phần tham dự.

Đơn cử như Chi bộ thôn Ea Rớt hiện tại mới chỉ có 1 đảng viên là người tại chỗ, Đảng ủy xã đã phải tăng cường thêm 2 đảng viên để thành lập chi bộ. Vì vậy, việc tổ chức họp chi bộ thường được mở rộng, mời thêm đại diện ban tự quản, các tổ chức, đoàn thể và người có uy tín trong thôn tham gia cùng bàn bạc, góp ý để Chi bộ xây dựng các nghị quyết thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Kế hoạch sát đúng với những giải pháp phù hợp, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm nên từ một thôn có 100% hộ trong diện nghèo, nhiều hộ thiếu đói, thiếu đất sản xuất, đến nay thôn Ea Rớt không còn hộ thiếu ăn, nhiều gia đình đã có của ăn của để; nhiều hộ đã trồng được cà phê, chăn nuôi trâu, bò; phần lớn các hộ đã sử dụng nguồn vốn, nguồn tài trợ rất hiệu quả.

Đồng chí Y Bay Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pui, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Ea Rớt cho hay: “Là thôn có 100% đồng bào dân tộc Hmông, cách trung tâm xã gần 20 km, đường đi lại rất khó khăn nhưng Chi bộ thực hiện nghiêm túc nền nếp sinh hoạt. Các buổi sinh hoạt của chi bộ luôn có sự tham dự của ban tự quản và cán bộ phụ trách các đoàn thể. Nhờ làm tốt công tác tư vấn, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát nên thôn Ea Rớt trở thành điểm sáng của xã Cư Pui trong sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tài trợ. Nhiều hộ đầu tư vốn phát triển chăn nuôi, mở rộng diện tích cây lúa nước, tận dụng đất trồng sắn, ngô lai vươn lên thoát nghèo".

Hiện nay Đảng ủy xã Cư Pui đang nhân rộng mô hình người đứng đầu chi bộ, ban tự quản, chi hội thôn, buôn gương mẫu, đi đầu trong công tác xã hội, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, hiến đất làm đường giao thông; cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tấm gương Bác... Bước đầu, chủ trương này được đảng viên nhiệt tình hưởng ứng, đã trở thành phong trào ở các thôn, buôn. Đặc biệt trong công tác phòng chống dịch COVID-19, các đồng chí bí thư chi bộ, đảng viên, trưởng thôn buôn, chi hội luôn nhiệt tình, hăng hái đi đầu trong công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nhiều đồng chí đã không quản mưa, nắng, ngày đêm, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự chỉ đạo của cấp trên.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.