Multimedia Đọc Báo in

Khởi nguồn của nền lập pháp dân chủ và tự do

15:36, 25/11/2021

1.Với mục đích xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, được quản lý bằng pháp luật, có Hiến pháp dân chủ, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẩn cấp triệu tập phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời để bàn thảo những vấn đề cấp bách cần phải được giải quyết.

Trong phiên họp này, Người đã đề ra 6 nhiệm vụ then chốt, trong đó đặc biệt chú ý nhiệm vụ: Tổ chức sớm cuộc bầu cử Quốc hội để thực hiện quyền tự do, dân chủ và ban hành một Hiến pháp dân chủ. Trên tinh thần khẩn trương ấy, ngày 20/9/1945, mặc dù Nghị viện (Quốc hội) chưa thành lập nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 34/SL về việc thành lập Ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên do Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Với tinh thần chuẩn bị một cách khẩn trương, cẩn trọng, nghiêm túc và khoa học, đến đầu tháng 11/1945, Ban soạn thảo đã xây dựng xong bản Dự thảo Hiến pháp đầu tiên và cho công bố trước toàn dân để lấy ý kiến đóng góp.

Tại Kỳ họp thứ nhất (Quốc hội khóa I) khai mạc vào ngày 2/3/1946, Quốc hội nhất trí điều chỉnh, bổ sung thêm một số thành viên vào Ban soạn thảo Hiến pháp gồm đầy đủ các tổ chức, đảng phái chính trị khác nhau (gồm 11 thành viên) cũng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Đến Kỳ họp thứ hai (từ ngày 28/10 đến 9/11/1946), Quốc hội đã chính thức thông qua bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tinh thần dân chủ. Hiến pháp gồm lời nói đầu, 7 chương và 70 điều khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quyết tâm xây dựng thể chế Dân chủ Cộng hòa, một chế độ đảm bảo quyền tự do, dân chủ của tất cả mọi công dân Việt Nam.

Trang bìa Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946). Ảnh tư liệu

2. Đã 75 năm trôi qua, đọc lại bản Hiến pháp đầu tiên, chúng ta thấy đây là một văn kiện pháp lý súc tích, cô đọng, chính xác, khoa học và rất dễ hiểu cho tất cả mọi giới đồng bào.

Hiến pháp khẳng định nền độc lập dân tộc và sự ra đời của chính thể Dân chủ Cộng hòa do nhân dân làm chủ, với tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Bản Hiến pháp được xây dựng trên nguyên tắc “đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân”.

Về chính thể, Hiến pháp đề cập trong Chương I với những điều cơ bản: “Nước Việt Nam là một nước Dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo; Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung, Nam, Bắc không phân chia”. Đây quả là một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của Nhà nước Việt Nam. Lần đầu tiên hình thức chính thể Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nét nổi bật nhất xuyên suốt trong nội dung Hiến pháp năm 1946 là tất cả quyền bính trong nước thuộc về nhân dân với một chính thể rộng rãi, một bộ máy nhà nước mạnh mẽ và sáng suốt; đề cao và tôn trọng tuyệt đối quyền con người, quyền công dân.

Hiến pháp năm 1946 cũng rất chú trọng đến chế định của công dân, nhằm “đảm bảo quyền tự do, dân chủ của người dân”. Điều này thể hiện ở chỗ, Hiến pháp có 7 chương thì chương II đã dành cho chế định của công dân. Lần đầu tiên công dân của nước Việt Nam được đảm bảo về quyền tự do, dân chủ một cách rộng rãi. Điều 10 của Hiến pháp ghi rõ “công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Hiến pháp 1946 cũng lần đầu tiên ghi nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân và được pháp luật bảo đảm (điều 6 và 7), cũng là lần đầu tiên Hiến pháp công nhận phụ nữ ngang quyền với nam giới trên mọi phương diện và tất cả mọi công dân Việt Nam được hưởng các quyền bầu cử, ứng cử, có quyền bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra khi không xứng đáng với vai trò và danh hiệu người đại biểu của nhân dân…

Hiến pháp 1946 xứng đáng là một bản Hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện mà đến hôm nay những nhà lập pháp hiện đại vẫn luôn kế thừa, học hỏi bởi tư tưởng, kỹ thuật lập hiến vô cùng ưu việt và phù hợp với định chế Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”.

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.