Đổi mới phương pháp, không ngừng nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng
Sáng 23/12, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đồng chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
Báo cáo sơ kết tại hội nghị nêu rõ, qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, toàn diện, thống nhất, bám sát yêu cầu của Chỉ thị đề ra. Các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy nhận thức ngày càng sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng, tạo sự chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tham luận tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, tái hiện một cách toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử toàn Đảng, lịch sử địa phương. Các công trình đảm bảo tính đảng và tính khoa học, đóng góp hiệu quả vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống cách mạng thấm sâu vào tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng Nhân dân. Qua đó, góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, phủ nhận sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Từ năm 2018 - 2020, cả nước có 2.526 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử ban, ngành, đoàn thể đã hoàn thành và xuất bản. Trong đó có 128 công trình lịch sử cấp tỉnh; 358 công trình lịch sử ban, ngành, đoàn thể; 279 công trình cấp huyện và 1.761 công trình cấp xã, phường, thị trấn. |
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, toàn tỉnh Đắk Lắk đã xuất bản được 72 ấn phẩm lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống. Đây là một trong những thành tựu nổi bật thể hiện sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công trình lịch sử Đảng.
Đặc biệt là Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức biên soạn và xuất bản sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 - 2020” trên cơ sở bổ sung, hoàn thiện và tích hợp từ 3 ấn phẩm gồm: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930 - 1954; 1954 - 1975; 1975 - 2005; triển khai nghiên cứu, biên soạn và phát hành một số sách chuyên đề, tiêu biểu như: “Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO 1975 - 2015”; “Kỷ yếu Hội thảo 50 năm - Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 ở Đắk Lắk”; “Lịch sử Khu căn cứ kháng chiến phía Nam tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975)”..., góp phần làm rõ những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của cách mạng địa phương.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. |
Cùng với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, công tác công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị chú trọng, với nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền phong phú, hiệu quả, chuyển tải nội dung lịch sử đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Thông qua các hoạt động thiết thực đó, góp phần nâng cao nhận thức, bồi đắp niềm tin, lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong lao động, sản xuất, học tập, góp phần xây dựng quê hương Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu đối với việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Kết luận hội nghị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương yêu cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Viện Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo các địa phương, các cơ quan liên quan cùng đội ngũ cán bộ ngành lịch sử Đảng tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, đề ra những biện pháp mới để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 20-CT/TW.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền lịch sử Đảng để nâng cao nhận thức về lịch sử cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, tạo sự thống nhất và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, giữa Trung ương và địa phương đa dạng hóa sản phẩm nghiên cứu, kịp thời xuất bản để phục vụ nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng và các Đảng bộ địa phương.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc