Giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên: Cấp bách và lâu dài
Giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu và học tập lý luận chính trị là yêu cầu cần thiết và cấp bách, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Trong quá trình giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng nhuần nhuyễn nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, bởi “Lý luận là sự tổng kết kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”.
Lý luận được thẩm thấu trong hoạt động thực tiễn và thực chất của lý luận là ở thực tiễn và phương pháp của nó là để soi đường, chỉ đạo hoạt động thực tiễn chứ không phải nói chữ, nói sách, không phải bó hẹp trong những khái niệm, phạm trù lý luận một cách hình thức, khô cứng, “lý luận sở dĩ quan trọng là vì nó dạy ta hành động”, “không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”.
Bên cạnh đó, Người cũng đã chỉ rõ, trong Đảng còn nhiều người “chỉ biết vùi đầu suốt ngày vào công tác sự vụ, không nhận thấy sự quan trọng của lý luận, cho nên còn có hiện tượng xem thường học tập hoặc là không kiên quyết tìm biện pháp để điều hòa công tác và học tập”.
Từ thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên còn lười học, ngại học lý luận chính trị, ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận”, “Đảng ta phải tự nâng cao mình lên nữa, mà muốn tự nâng cao mình thì phải tổ chức học tập lý luận trong toàn Đảng, trước hết là trong cán bộ cốt cán của Đảng”.
Có thể nói, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm chỉ đạo việc học tập, đào tạo cán bộ của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên càng cần thiết, cấp bách phải nâng cao hơn nữa.
Trường Chính trị tỉnh trao bằng tốt nghiệp cho học viên lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ tập trung A50, khóa học 2020. |
Thực tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị, có những biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, coi thường việc học tập lý luận chính trị; xác định động cơ, mục đích học tập lý luận chính trị không đúng đắn.
Đó là một trong những biểu hiện suy thoái rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trường hợp, cán bộ, đảng viên khi tiếp xúc với quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch thì tỏ ra lúng túng, thiếu lý lẽ để đấu tranh cho chính mình và đấu tranh bác bỏ quan điểm sai trái, phản động nhằm bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có biểu hiện thứ ba: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Đại hội XIII nhận định, những hạn chế, tồn tại trong công tác giáo dục lý luận chính trị, là một trong những nguyên nhân làm cho: “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”. Cho nên, phải “khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu lên nhiệm vụ, giải pháp đó là: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn, đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”.
Một điểm mới quan trọng trong phương hướng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị được Đại hội XIII của Đảng nêu ra là: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”.
Có thể thấy từ những yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đòi hỏi Đảng luôn phải đổi mới một cách toàn diện, sâu sắc công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên được trang bị đầy đủ, toàn diện hơn về kiến thức, kỹ năng và thái độ về nhận thức tri thức chính trị, xử lý tốt các tình huống thực tiễn trong công tác, là cơ sở để cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc